Hội nghị triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị
Lượt xem: 4579
Sáng ngày 22/4, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh, thành phố để quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về “phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự tại điểm cầu Hà Nội. Đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng tham dự tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết là để quán triệt sâu sắc, tổ chức thực hiện tốt hơn các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là về phát triển vùng dựa vào những lợi thế, tiềm năng để đột phá phát triển. Đồng thời nhằm tạo ra bước đột phá mới trong việc phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng trong giai đoạn mới và sự cần thiết của việc ban hành là để tiếp tục phát huy kết quả, thành tựu to lớn đã đạt được và khắc phục những khó khăn tồn tại. Tất cả với hy vọng là để Đồng bằng sông Cửu Long tự đứng dậy, vươn lên làm chủ và mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Tổng Bí thư nhấn mạnh về ý tưởng mới, nội dung mới, tinh thần mới của Nghị quyết là có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và tầm quan trọng với các quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định và đề ra mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới.

Tổng Bí thư chỉ đạo cần làm gì, làm như thế nào để biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động. Qua đó phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của Nghị quyết, nắm vững tư tưởng, quan điểm, công việc phải làm để cùng nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị chứ không phải của riêng vùng. Đồng thời phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng,  ý chí tự lực vươn lên, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa của cả vùng, để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và trù phú hơn. Các cấp ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng thể chế phát triển vùng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy các cấp.

Theo báo cáo, đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất lớn nhất của cả nước về nông nghiệp và kinh tế biển, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước./.

Xuân Kha  

 

3 người đã bình chọn