Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023
Lượt xem: 3492
Ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, bộ, ngành Trung ương dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2022 nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, toàn Đảng, toàn dân đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Những kết quả đạt được của năm 2022 cao hơn năm 2021 là minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự chung sức, đồng lòng, ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Năm 2022, tình hình KTXH đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đạt được mục tiêu tổng quát; đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu. Nhiều điểm sáng đáng mừng như: GDP tăng 8,02%, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 27,8% dự toán (tăng 392 nghìn tỷ đồng). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; xuất siêu 11,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%. Trên 208 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 30,3% và gấp 1,45 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường…

Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường.

Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Thủ tướng lưu ý đến sức ép lạm phát cả bên trong và bên ngoài còn lớn; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Những khó khăn, thách thức, yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong cùng những vấn đề mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được tiếp tục tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình KTXH, đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng của đất nước ta.

Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Trong đó, nêu rõ 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2023.

Hội nghị tập trung thảo luận, làm rõ, tìm ra các giải pháp thực hiện hiệu quả quan điểm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả kết hợp với chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác, bảo đảm phù hợp với tình hình mới của năm 2023; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tạo nền tảng cho nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh…

Quang cảnh điểm cầu trụ sở Chính phủ

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ trong thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022. Đồng thời, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ cần củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Đặc biệt, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các ban, bộ, ngành tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, kịp thời. Trong đó, đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phương An