Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020
Lượt xem: 2168
Chiều ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh

Chủ trì và điều hành hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; ông Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; ông Lê Vĩnh Tân - Bộ Trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Tham dự phía đầu cầu tỉnh Trà Vinh có ông Lê Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh.

Thực hiện chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2021, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính đã đề ra các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính mang tính toàn diện đồng bộ và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai một cách thiết thực phù hợp với thực tiễn. Kết quả   đã tạo sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước các cấp nói riêng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

Cụ thể, ở cải cách thể chế, mối quan hệ giữa nhà nước và người dân tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới, đã đề cao các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân tại các đạo Luật trên các lĩnh vực từ: dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các Bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay hơn 8.600 văn bản, các tỉnh trên 385.000 văn bản.

Ở lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, đây là khâu được Chính phủ xác định là trọng tâm đột phá do đó đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế xã hội. Tính từ đầu nhiệm kì Chính phủ khóa XIV đến cuối năm 2020 đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng. Thủ tục hành chính được các Bộ, ngành, địa phương từng bước chuẩn hóa, công bố, niêm yết, công khai tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai trên Cổng Thông tin điện tử và trên cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp cá nhân, tổ chức, truy cập tìm hiểu thuận tiện chính xác. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Trung tâm hành chính công và bộ phận tiếp nhận trả lời kết quả cấp tỉnh, huyện đã được triển khai ở tất cả các địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định 45 của Thủ tướng Chính phủ đạt được kết quả tích cực. Năm 2019 cả nước có trên 14.505.000 lượt hồ sơ, kết quả giải quyết được trả qua dịch vụ bưu chính công ích giúp tiết kiệm thời gian chi phí cho người dân tạo tiền đề triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đến nay, tại các Bộ và cơ quan ngang Bộ đã giảm được 12 vụ và tương đương. Tại các tỉnh và thành phố đã giảm 5 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục. Ở cấp huyện đã giảm được 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện. Về biên chế công chức, tính đến giữa năm 2020 các Bộ ngành Trung ương giảm 10.284 người so với chỉ tiêu giao năm 2015, các địa phương giảm 13.612 người so với chỉ tiêu năm 2015. Các Bộ, ngành, địa phương đã tích cự triển khai bố trí công chức đảm bảo theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng khung năng lực của từng vị trí. Việc thi tuyển cạnh tranh bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, thu hút người có tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước bước đầu đạt hiệu quả. Cải cách chính sách tiền lương được quan tâm, mức lương cơ bản từ 730.000 đồng tháng năm 2011 tăng lên 1.490.000 đồng/tháng năm 2019. Đến nay cả nước có 1,4 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng và 300.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. 

Việc hiện đại hóa hành chính đã được Chính phủ từng bước hoàn thiện thể chế chính sách phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, đã thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Các Bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử, Đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử… Tính đến quý II năm 2020, cả nước có trên 38.800 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, gần 18.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Giai đoạn 2021-2030, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đề ra 8 định hướng trên các lĩnh vực: Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công và xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số với mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỉ cương, công khai, minh bạch, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan nhà nước các cấp tinh gọn hoạt động hiệu quả có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính phục vụ Nhân dân.

Riêng ở tỉnh Trà Vinh, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, từ năm 2017, toàn tỉnh có 1.565 thủ tục hành chính được cắt giảm 1/2 thời gian giải quyết; 93 thủ tục được cắt giảm 1/3 thời gian giải quyết. Trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh tiếp nhận và trả kết quả của 14 sở, ban ngành; 2 trung tâm hành chính công cấp huyện; 4 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và 7 huyện, thị xã, 106 xã, phường, thị trấn, thành lập bộ phận tiếp dân và trả kết quả theo cơ chế 1 cửa, có 498 dịch vụ được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 390 dịch vụ mức độ 4. Toàn tỉnh đã hoàn thành sắp xếp kiện toàn bộ máy bên trong, giảm 43 phòng chuyên môn thuộc sở và 3 chi cục, chiếm 30,67% so với tổng số phòng ban chuyên môn thuộc sở năm 2015. Tính từ năm 2015 đến năm 2020, toàn tỉnh đã giảm 1.624 biên chế sự nghiệp. Đến năm 2021, tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục giảm 431 biên chế sự nghiệp để đạt tỷ lệ 10% theo quy định của Trung ương./.

 Phượng Khánh

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image