Bảo hiểm xã hội tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh cải cách hành chính
Lượt xem: 1508
Thực hiện theo Kế hoạch số 2249/KH-BHXH ngày 15/12/2021 của Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh về công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2022, quý I năm 2022 công tác CCHC của BHXH tỉnh Trà Vinh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bộ phận một cửa tại BHXH tỉnh Trà Vinh

 Về cải cách thủ tục hành chính, BHXH tỉnh đã tăng cường rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý, hiệu quả của quy định thủ tục hành chính (TTHC) hiện hành, chủ động kiến nghị cắt giảm, đề xuất sửa đổi để đơn giản hóa thủ tục và giảm tối đa chi phí; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các quy định về TTHC và phát sinh TTHC ngoài quy định. Đồng thời, duy trì nghiêm túc, hiệu quả việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo các hình thức: qua bộ phận một cửa tại trụ sở cơ quan BHXH và Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; qua giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích.

Trong quý, BHXH tỉnh thực hiện tiếp nhận thông qua cơ chế một cửa đã tiếp nhận 45.612 hồ sơ, trả kết quả được 46.351 hồ sơ các loại, trong đó trả qua dịch vụ bưu chính là 18.484 hồ sơ, trả tại bộ phận một cửa và qua giao dịch điện tử: 25.582; hồ sơ không phát sinh trả: 2.285 hồ sơ. Tính đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh có 1.703 đơn vị đăng ký giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 95,78% so với tổng số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn (1.703/1.778= 95,78%). Thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn, số đơn vị phát sinh/số đơn vị GDĐT đạt 98,19%; số hồ sơ phát sinh/số hồ sơ GDĐT đạt 94,24%.

BHXH tỉnh tiếp tục rà soát thực hiện chủ trương chung kiện toàn tổ chức bộ máy theo Quyết định số 969/QĐ-BHXH ngày 29/7/2019 của BHXH Việt Nam về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương. Thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ của các phòng nghiệp vụ và BHXH huyện, thị xã để kịp thời kiến nghị điều chỉnh, bổ sung, tránh chồng chéo và đảm bảo phù hợp với thực tế, nâng cao hiệu quả trong các hoạt động của Ngành. Về cải cách công vụ, đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và của Ngành trong công tác điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý. Trong quý, thực hiện quy trình bổ nhiệm 01 Trưởng phòng, điều động 03 viên chức không giữ chức vụ.

Trong cải cách tài chính công, BHXH tỉnh thực hiện việc cấp ứng kinh phí cho các đơn vị trực thuộc kịp thời, đúng quy định trên cơ sở dự toán đã giao, đáp ứng nhu cầu chi tiêu và hoạt động của từng đơn vị. Cấp kinh phí chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chi đúng, chi đủ và an toàn; cấp ứng kinh phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT và tổ chức thanh quyết toán chi phí KCB cho các cơ sở KCB kịp thời và đúng quy định.

Quan tâm, hướng dẫn BHXH các huyện phối hợp với Bưu điện huyện thực hiện chi trả chế độ BHXH thuận lợi, đúng số tiền, đúng thời gian, đúng đối tượng thụ hưởng. Về thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản thẻ ATM đều đạt kết quả cụ thể như sau: Lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 3.738/8.310 người, chiếm tỷ lệ 44,95% thấp hơn chỉ tiêu giao là 5,02%; Chế độ BHXH một lần là 4.349/4.686 người, chiếm tỷ lệ 92,81% vượt 7,81% so với chỉ tiêu giao; Trợ cấp thất nghiệp: 8.206/ 8.248 người, chiếm tỷ lệ 99,49% vượt 1,49% so với chỉ tiêu giao.

Công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, đã duy trì hoạt động ổn định các phần mềm nghiệp vụ và Trang thông tin điện tử BHXH tỉnh Trà Vinh, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin, truy cập tìm hiểu chính sách, chế độ BHXH, BHYT của người dân và đơn vị sử dụng lao động. Ứng dụng VssID thường xuyên được nâng cấp, hoàn thiện nhằm cung cấp ngày càng nhiều các tính năng, tiện ích, phục vụ nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT theo chỉ đạo của ngành Bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được cũng còn tồn tại, hạn chế, việc đẩy mạnh thanh toán điện tử gặp nhiều khó khăn vì người dân ngại tiếp cận do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến. Ngoài ra sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC hiệu quả chưa cao vì khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện máy móc ứng dụng CNTT của một bộ phận người dân còn hạn chế. Mặt khác, người dân vẫn quen với hình thức giao dịch tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh hoặc BHXH các huyện do việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trực tiếp sẽ an tâm hơn.

Hiện nay, BHXH tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực tham gia BHXH, BHYT, BHTN, giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn nhằm tiết kiệm chi phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn còn một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực để thực hiện đồng bộ.

 

Trúc Giang

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image