Trà Vinh triển khai thực hiện Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 4752
Ngày 1/12, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Các sản phẩm của cơ sở sản xuất bánh tét Trà Cuôn, huyện Cầu Ngang được người tiêu dùng đánh giá cao về an toàn thực phẩm (Ảnh: Trường Hiếu)

Theo đó, mục tiêu chung của đề án nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản Trà Vinh tại thị trường trong nước và quốc tế.

Từ nay đến năm 2025, Trà Vinh đề ra mục tiêu phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 tăng 10%/năm; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 5%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/ năm.

Từ năm 2026 đến năm 2030, Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như: VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm; duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP hoặc ký cam kết tuân thủ quy định ATTP; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 (hoặc tương đương) tăng 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 10%/năm và tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra những nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững (như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ,…); hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nối và xúc tiến thương mại sản phẩm trong và ngoài nước; thường xuyên tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất “xanh, sạch” theo hướng nông nghiệp hữu cơ sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đưa ra những giải pháp để thúc đẩy hiệu quả thực hiện như: tổ chức giám sát và truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm phục vụ quản lý chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cử công chức, viên chức tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm,…

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng phối hợp thực hiện.

 Ngân Linh