Xử lý nghiêm vi phạm về khai thác khoáng sản
Lượt xem: 4602
Lớp đất mặt ruộng là một phần rất quan trọng, có độ phì nhiêu, giữ nước và có chất dinh dưỡng cao giúp cho cây lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ở một số địa phương, sau khi nông dân gặt lúa xong thì lớp đất mặt ruộng được vận chuyển về nơi tập kết phục vụ cho việc san lấp mặt bằng hoặc trồng cây kiểng. Việc khai thác đất mặt ruộng tràn lan, không đúng quy định sẽ làm biến dạng địa hình, gây khó khăn cho việc điều tiết nước trên cùng một cánh đồng; làm suy giảm chất lượng đất, đất dễ bị nhiễm phèn, sâu bệnh, năng suất lúa giảm và gây ô nhiễm môi trường. Việc khai thác lớp đất mặt ruộng trái phép không những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.  

Một trong các phương tiện vận chuyển đất ruộng trái phép bị Công an huyện Càng Long phát hiện vào tháng 4/2021

Hành vi khai thác khoáng sản không giấy phép, kể cả đất mặt ruộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ; ngoài hình thức phạt tiền, còn bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm; nếu đối tượng có tiền sự thì sẽ bị khởi tố theo Điều 227 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội: “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Thời gian qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố 02 vụ, 02 bị can về hành vi này với mức phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.

Với nhu cầu san lấp mặt bằng để xây dựng ngày càng cao, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm các cánh đồng sau vụ thu hoạch để mua lớp đất mặt ruộng hoặc xin đất gò cao của người nông dân để bán lại kiếm lời. Tùy theo nhu cầu và thỏa thuận với chủ đất mà độ cao của mặt ruộng sẽ được hạ đến vài tấc. Theo lực lượng chức năng, các đối tượng dù biết đó là hành vi vi phạm nhưng vì lợi nhuận vẫn lén lút thực hiện vào ban đêm để tránh sự phát hiện của chính quyền địa phương. Theo Công an huyện Duyên Hải, những tháng gần đây, tình trạng khai thác lớp đất mặt ruộng trái phép thường xảy ra tại các địa bàn xã Ngũ Lạc, Đôn Châu và Đôn Xuân. Hiện tại, cơ quan Công an đang củng cố hồ sơ để xử lý các trường hợp vi phạm.

Còn tại huyện Càng Long, việc khai thác lớp đất mặt ruộng trái phép chủ yếu tập trung vào 3 xã Bình Phú, Phương Thạnh và Huyền Hội. Qua tìm hiểu của phóng viên, với mỗi công ruộng, các đối tượng mua lớp đất mặt sâu 3 tấc của chủ ruộng với giá khoảng bốn đến năm triệu đồng nhưng bán lại với giá trên hai mươi triệu đồng. Chính vì lợi nhuận nên các đối tượng bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện, thậm chí cho người cảnh giới để đối phó với lực lượng chức năng.

Hậu quả của việc khai thác lớp đất mặt ruộng chưa dừng lại ở đó, việc vận chuyển liên tục ngày đêm của các xe ben đã khiến cho con đường cặp bờ kênh dẫn vào cánh đồng thuộc ấp Nguyệt Lãng B, xã Bình Phú, huyện Càng Long mùa nắng thì khói bụi, đường hư hỏng nặng, mùa mưa thì việc đi lại của người dân còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Tình trạng này khiến cho các hộ dân sống cặp con đường này vô cùng bức xúc bởi khi mưa xuống, nhiều phụ huynh phải vác xe lên tới lộ nhựa thì học sinh mới chạy được. Người dân có ruộng, vườn trong khu vực này mỗi ngày 2, 3 lượt vận chuyển phân bón, giao thương hàng hóa đều phải đi qua con đường vô cùng khập khiễng. Sự bức xúc cao độ hơn khi người dân nơi đây cùng nhau đổ đất, đá, sửa chữa đường nhưng rồi đâu lại vào đấy. Lợi nhuận thuộc về các đối tượng thu mua đất nhưng người dân sống trong khu vực phải chịu thiệt thòi. Tại thời điểm phóng viên tác nghiệp, vẫn còn nhiều chiếc xe ben “nằm vùng” chờ cơ hội để tiếp tục vận chuyển đất về nơi tập kết.

Tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp, chỉ trong vòng 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác khoáng sản, Công an huyện Càng Long phối hợp với các ngành có liên quan kịp thời phát hiện 8 vụ khai thác lớp đất mặt ruộng trái phép và chuyển các đơn vị chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Theo lãnh đạo phòng Tài nguyên và môi trường huyện Càng Long, một số trường hợp người nông dân muốn hạ độ cao mặt ruộng để thuận lợi trong việc canh tác nên cho đất “người quen” và chỉ yêu cầu xới đất để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo thay vì phải tốn một khoản phí nhất định cho việc này nhưng việc tự ý cải tạo đất là không đúng quy định. Ông Nguyễn Hữu Kiên - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Càng Long cho biết: “Khi bà con có nhu cầu hạ độ cao thì bà con lập phương án hạ độ cao, sau đó trình cho cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đó rồi mới tiến hành khai thác. Phòng Tài nguyên Môi trường đã tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nắm lại khu vực đất cao, khó khăn trong vấn đề điều tiết nước cần phải hạ độ cao thì UBND xã sẽ có trách nhiệm hướng dẫn cho bà con thực hiện đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật”.

Để thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác khoáng sản, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị và Công an các địa phương cương quyết xử lý nghiêm hành vi khai thác khoáng sản không giấy phép, chú ý việc các đối tượng lợi dụng khai thác đất mặt ruộng không giấy phép, đất bờ kênh, lấp kênh thủy lợi để phục vụ cho việc vận chuyển khoáng sản, vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; củng cố hồ sơ chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để xem xét, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các vụ việc vi phạm có dấu hiệu của tội phạm./.

Mộng Tuyền

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image