Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa
Lượt xem: 3877
Lực lượng Cảnh sát đường thủy đang thực hiện cao điểm tập trung vào các nội dung như nắm tình hình, xác định tuyến đường thủy nội địa vận chuyển cát, sỏi lòng sông; rà soát lên danh sách cảng, bến thủy nội địa hoạt động không phép là nơi bốc xếp vật liệu xây dựng; tổ chức tuyên truyền, yêu cầu các chủ doanh nghiệp vận tải thủy, chủ bến bãi ký cam kết không bốc xếp hàng hóa, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn; bảo đảm các điều kiện an toàn đường thủy, vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn chứng từ; kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Cảnh sát đường thủy tuần tra, xử lý trên các tuyến sông

Theo đánh giá của lực lượng Cảnh sát đường thủy, tình hình trật tự trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa tương đối ổn định. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 8.000 phương tiện thủy với 172 bến thủy nội địa (có 46 bến khách). Qua khảo sát có khoảng 3.600 phương tiện vi phạm chiếm tỷ lệ 39%, lỗi vi phạm chủ yếu không đăng ký đăng kiểm, không bằng chứng chỉ chuyên môn, không bằng cấp theo quy định, phương tiện chở quá tải, một số phương tiện đò ngang thì chở quá số người quy định, điều này tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông đường thủy.

Trung tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó Đội trưởng đội Cảnh sát đường thủy cho biết, thời gian qua được sự quan tâm của Ban Giám đốc Công an tỉnh, đặc biệt là Ban lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo đội Cảnh sát đường thủy lập kế hoạch trong vòng 3 tháng để tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, trên địa bàn tỉnh luôn duy trì 3 chốt kiểm tra đường thủy, lực lượng luôn đảm bảo 24/24 để đảm bảo công tác tuần tra, xử lý và giữ gìn an ninh, trật tự gồm tuyến sông Hậu, sông Cổ Chiên và sông Long Bình địa bàn vào thành phố Trà Vinh, lực lượng trong đợt cao điểm này luôn tăng cường tuần tra, kiểm soát số ca và số lượt tăng khoảng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó tổ kiểm tra liên ngành kết hợp đi kiểm tra xuyên suốt các địa bàn bến, bãi, bến khách, kiên quyết xử lý những trường hợp bến khách, bến bãi không phép hoạt động, không đảm bảo an toàn;  các công trình khai thác cát vẫn được tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các lỗi vi phạm về trật tự giao thông đường thủy.

Song song đó, lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm, phức tạp; tập trung vào các đối tượng vận chuyển hàng hóa, hoạt động khai thác khoáng sản, vận tải hành khách ngang sông; các cảng, bến trái phép không đủ điều kiện hoạt động, nhất là không thực hiện đúng quy định về cứu sinh; xử lý nghiêm các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở hàng hóa vượt quá vạch mớn nước an toàn, chở quá số người quy định, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm và một số lỗi khác. Phối hợp với các chủ phương tiện cho cam kết về việc chấp hành luật giao thông đường thủy với các nội dung như phương tiện đưa vào hoạt động đảm bảo đăng ký đăng kiểm; đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định; thuyền viên làm việc trên phương tiện phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; chấp hành nghiêm các quy định khi điều khiển phương tiện ra vào Cảng, Bến thủy nội địa; không chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, không chở quá số người quy định,…

 

Cảnh sát đường thủy kiểm tra các phương tiện và cho viết cam kết chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy

Qua hơn 1 tháng triển khai thực hiện đợt cao điểm, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức tuần tra gần 300 ca với gần 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, qua đó phát hiện trên 50 trường hợp vi phạm, đã đề xuất phạt số tiền trên 50 triệu đồng; lập biên bản đình chỉ 2 bến khách và 2 bến thủy hoạt động không có giấy phép.

Theo đánh giá của người dân, đa số các chủ phương tiện đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, tuy nhiên vẫn còn một số phương tiện chở quá tải, cơi nới thùng ghe, tàu để chở các mặt hàng như lúa, gạo, dừa,… Vì vậy, Cảnh sát đường thủy đã tập trung tuyên truyền đến chủ phương tiện, người vi phạm các quy định của pháp luật liên quan, hậu quả tai nạn, các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa; vận động người đi trên phương tiện thủy mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi; nhất là không sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn lưu hành trên sông. Từ đó ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, trước hết vẫn là ý thức tự giác thực hiện nghiêm pháp luật của mỗi người hoạt động trên đường thủy. Các phương tiện hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu đắm; chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tuyệt đối không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người cho phép; phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với từng loại phương tiện, mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy để đảm bảo an toàn. Khi gặp mưa to, gió lớn chủ phương tiện phải chú ý quan sát, neo, đậu tàu thuyền, bật đèn tín hiệu và có người trông coi để phòng tránh tai nạn.

Phạm Hơn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image