Nét truyền thống của làng nghề ven biển Mỹ Long
Lượt xem: 5611
Nếu như trước đây Mỹ Long chỉ là một xóm nhỏ ven biển, đời sống của người dân muôn phần chật vật, khó khăn; thì xóm nhỏ ngày nào giờ đây đã trở thành một vùng đất giàu tiềm năng khi mang đậm “hơi thở” của biển khơi. Cũng từ đó, mà nơi đây sớm hình thành nên một nghề truyền thống về khai thác, đánh bắt thủy sản. Nhân kỷ niệm 101 năm Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, hay lễ hội Nghinh Ông Mỹ Long, chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng trở lại thị trấn này, để cảm nhận rõ hơn về nét truyền thống, sự gắn bó của ngư dân đối với biển.

Hàng đáy trên biển Mỹ Long

Thị trấn Mỹ Long có vị trí địa lý nằm bên cửa Cung Hầu, tiếp giáp Biển Đông, có bờ biển dài 2,5 km, từ hàng trăm năm qua, cuộc sống của người dân nơi đây đã gắn liền với biển. Theo nhiều người dân sinh sống lâu năm tại Thị trấn Mỹ Long, trước khi chính thức được công nhận là Làng nghề khai thác, sơ chế, chế biến thủy sản vào cuối năm 2011; thì nghề khai thác, đánh bắt thủy sản tại đây đã sớm được hình thành từ rất lâu trước đó, người ta chỉ biết rằng: Nghề đi biển này là cái nghề truyền thống được ông bà xưa truyền lại và được bao thế hệ người con xứ biển này quyết tâm một lòng gìn giữ nghề cho đến hôm nay. Cũng chính vì vậy mà khai thác, đánh bắt thủy sản là kinh tế mũi nhọn của địa phương ven biển này. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản đạt trên 12 ngàn tấn, đạt khoảng 220 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thị trấn Mỹ Long, hiện nay nghề đi biển chủ yếu của bà con địa phương là nghề đóng đáy hàng khơi, với tổng số 49 hộ, có khoảng trên 720 khổ đáy, đây cũng là nghề “cha truyền con nối” ở xứ biển này. 

Ở Thị trấn Mỹ Long nếu nói đến người dày dặn kinh nghiệm trong nghề này, không thể không kể đến ông Trần Văn Thành, bởi ông có thâm niên đi biển, làm hàng đáy đến 36 năm. Và dù hiện nay đã ngoài 70 tuổi, không còn đi biển nữa mà truyền nghề lại cho các con, nhưng khi kể về nghề đóng đáy hàng khơi và những ngày tháng bám biển thì lão ngư này vẫn rất hào hứng và tình yêu, sự gắn bó với nghề trong ông chưa bao giờ vơi đi. Trao đổi với chúng tôi, ông Thành cho biết: không chỉ gia đình mà cả dòng họ của ông ở Thị trấn Mỹ Long đều sống nhờ nghề đáy; riêng bản thân ông đi biển, làm đáy là năm 1984, do đó những nỗi nhọc nhằn của nghề ông đều đã nếm trải. Ông Thành chia sẻ thêm: “Nó đã là cuộc sống của mình rồi, không yêu nó thì sao sống! Quan điểm chung thì biển dã lúc êm thì nó nên thơ lắm, chẳng hạn như chiều về những anh bạn chòi chẳng bị buông đáy xuống mà mặt trời còn hơi ửng ửng thì lúc đó mình thấy cảm nhận tâm hồn phơi phới lắm, cộng thêm cái nữa mùa màng mà trúng, những buổi chiều đáy mà trúng, đầy ghe thì mấy bữa đó mừng lắm, ăn uống đâu có dô; cũng có những lúc buồn, khi đáy bị sập mà trời tối, cả mấy anh em ngoài giữa biển phải làm việc ban đêm nữa mình khắc phục sự cố, đó là cái vui, buồn của nghề đóng đáy hàng khơi”.
 
Cũng gắn bó với nghề đáy hàng khơi từ khi còn là chàng thanh niên đến nay đã hơn tứ tuần, Anh Lê Minh Điền ở Khóm 4, Thị trấn Mỹ Long cho biết: Dẫu là nghề sống trên đầu sóng ngọn gió, nhiều nhọc nhằn cũng lắm nguy hiểm nhưng với nhiều ngư dân ở Thị trấn Mỹ Long thì đóng đáy hàng khơi là phương kế mưu sinh được truyền từ đời này qua đời khác, với gia đình anh cũng vậy, nghề đóng đáy hàng khơi được làm từ đời cha anh, và giờ đến đời anh. Hiện tại gia đình của anh có 2 sở hàng đáy, gồm sở hàng chướng và sở hàng nam. Và thời điểm này anh đang đóng sở hàng nam với 24 miệng đáy, từ đầu mùa nam đến nay đóng đáy trúng hơn năm trước, sản lượng nhiều hơn, do đó gia đình anh khá phấn khởi. Anh Điền chia sẻ: với anh, dù thất hay trúng thì cái nghề được coi là hạ bạc này vẫn luôn là cuộc sống hằng ngày: “kinh tế của mình thì mần biển đó giờ, cứ năm nào cũng làm tới mùa thì làm. Năm nào biển dã trúng thì mình đỡ, vợ con sống nhàn, năm nào thất thì hẻo chút, xài ít chút”.

Gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục, tạp quán của ngư dân Mỹ Long, đó là lễ hội Cúng biển Mỹ Long, hay còn gọi là lễ hội Nghinh Ông. Đây là lễ hội truyền thống dân gian được tổ chức từ năm 1919 và được duy trì cho đến ngày nay, tức năm nay là 101 năm. Hằng năm lễ Cúng biển được tổ chức trong 3 ngày 10, 11 và 12 tháng 5 âm lịch tại Miếu bà Chúa xứ ở Thị trấn Mỹ Long nhằm thể hiện lòng biết ơn của ngư dân với biển cả, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, có nhiều cá tôm để đem lại cuộc sống ấm no cho ngư dân. Từ một lễ hội dân gian, năm 2013, lễ hội Cúng biển Mỹ Long đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, bên cạnh tổ chức lễ hội đảm bảo giữ gìn và bảo tồn các nghi thức truyền thống, thì quy mô của lễ hội cũng ngày càng lớn. Từ một lễ hội cúng biển mang đậm dấu ấn tâm linh của ngư dân, thì nay còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và thương mại thu hút hàng ngàn lượt du khách khắp nơi đến với miền biển Mỹ Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cho biết thêm về những hoạt động trong Lễ hội cúng biển Mỹ Long năm nay, ông Cao Thanh Phong – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị trấn Mỹ Long nói: “Ban tổ chức Hội biển có kêu gọi danh nghiệp đến để đăng ký diễn ra 1 tuần lễ hội chợ mua sắm. Bên cạnh đó cũng tổ chức 3 đêm giọng hát hay, đồng thời tổ chức bóng đá, bóng chuyền hơi, trò chơi dân gian để làm thế nào thu hút khách tham quan vui chơi lành mạnh trong các ngày lễ hội. Cùng với đó, còn tổ chức 10 gian hàng ấm thực đặc sản của địa phương. Thời gian tới, Thị trấn Mỹ Long định hướng sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư sẽ phát triển khu du lịch sinh thế để gắn liền với Lễ hội Nghinh Ông, để làm thế nào cho địa phương chúng ta càng ngày càng phát triển”.

Lễ Nghinh Nam Hải 

Riêng đối với những ngư dân của Thị trấn Mỹ Long, thì dù bận trăm công ngàn việc, hằng năm đến ngày Cúng biển thì đều giành thời gian để tham gia các nghi lễ cúng biển truyền thống, thành kính với Nghinh Ông, với ước mong biển dã yên bình, cá tôm dồi dào để bà con ngư dân đi biển trúng mùa. Chia sẻ về những ngày lễ ở đây, anh Lê Minh Điền – 1 người làm nghề đóng đáy hàng khởi cho biết: “năm nào đến ngày này thì anh em mừng vui lắm, mình mần biển mình tin tưởng Bà, thành ra tới ngày đó ai cũng đi cúng Bà, đưa Bà, cầu mong cho biển dã yên ái cho bà con mình mần ăn được, trúng đồ, bà con khá giả.

Còn ông Nguyễn Minh Tâm - cũng là một ngư dân ở Thị trấn Mỹ Long cho biết thêm: “Ngày Hội biển là ngày Kỷ niệm của quê hương Mỹ Long, những người làm nghề hạ bạc tức đóng đáy, thì lúc nào cũng mong chờ ngày hội để đến đây, trước là vui, sau thắp hương cầu nguyện Bà phù hộ cho quê hương Mỹ Long mần ăn được mùa, được thuận lợi trong thời gian đi đánh bắt”

Có thể thấy rằng, từ vị trí địa lý là nơi cửa sông tiếp giáp với biển, mà hơn một năm năm qua người dân Thị trấn Mỹ Long vẫn truyền từ đời này sang đời khác nghề khai thác, đánh bắt thủy sản. Và dù có những lúc thăng trầm, nhưng đối với mỗi người dân ở ven biển Mỹ Long - những người đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó cuộc đời mình với biển khơi, không chỉ vì cuộc sống mưu sinh, như là một thói quen thường nhật, gắn với đó là những nét văn hóa tâm linh truyền thống của ngư dân Thị trấn Mỹ Long đối với biển đảo quê hương bằng một tình cảm thiêng liêng, gắn bó bền chặt hàng trăm năm qua./.

Cẩm Thúy - Minh Chính