Cầu Ngang: Tiềm năng phát triển du lịch và kinh tế biển
Lượt xem: 5757
Cầu Ngang là huyện nằm trên cung đường “hành trình kết nối từ sông ra biển” của tỉnh và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, làng nghề và du lịch tâm linh. Lễ hội cúng biển Mỹ Long là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và lễ hội truyền thống của cư dân Mỹ Long diễn ra từ ngày 10 - 12 tháng 5 âm lịch hàng năm, nhằm tạo cơ hội để địa phương quảng bá và nâng tầm thương hiệu của huyện. Thông qua buổi tọa đàm “bảo tồn, phát huy giá trị di sản lễ hội cúng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch”, các chuyên gia đã tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng về giá trị di sản văn hóa lễ hội cúng biển Mỹ Long gắn với phát triển du lịch và kinh tế biển. 

Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, lễ hội cúng biển Mỹ Long - giá trị di sản văn hóa phi vật thể cúng biển Mỹ Long gắn với phát triển du lịch. Đi từ di sản đến hiện thực phát triển du lịch, Mỹ Long xưa kia là làng Long Hậu, là ngôi làng cổ ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. 

Cuối thế kỷ XIX, Long Hậu là ngôi làng đầu tiên của tỉnh được thành lập và ghi danh vào sổ địa bạ triều đình và được ban mỹ danh Long Hậu nhằm ghi nhận công lao che chở, nuôi chứa quan quân chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII. Mỹ Long là một trong những chiếc nôi cách mạng của tỉnh và là nơi căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa binh Đề Triệu (1865-1968) và còn là nơi hình thành tổ chức Công hội đỏ, tổ chức Hội Thanh niên cách mạng và là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Trải qua 02 cuộc kháng chiến, Mỹ Long là vùng căn cứ vững chắc và là điểm chỉ đạo Đồng Khởi thắng lợi. Ngoài tín ngưỡng thờ tổ tiên truyền thống trong mỗi gia đình, Mỹ Long vẫn trân trọng lưu giữ tín ngưỡng thờ Thần Thành Hoàng tại các ngôi đình và thờ nhiều vị thánh mẫu như Bà Cố Hỷ, Bà Chúa Xứ, cá Voi, thờ Đức ông Nam Hải phối tự tại miễu Bà Chúa Xứ. 

Trải qua hàng trăm năm bám đất bám biển, kinh tế của người dân Mỹ Long chủ yếu dựa vào nghề trồng hoa màu trên đất giồng cát và nghề đáy hàng khơi. Nghề đáy biển hình thành vào thập niên 1870 - 1880 và liên tục hoạt động cho đến nay. Chính nghề truyền thống đáy hàng khơi và tín ngưỡng thờ cá Voi đã hình thành lễ hội cúng biển Mỹ Long. Đây là nét đặc sắc mà không lễ hội cúng biển nào từ Trung Bộ và Nam Bộ có được. 

Dù lễ hội độc đáo đến đâu cũng chỉ diễn ra trong 03 ngày, chưa đủ để hình thành một trọng điểm du lịch mang tính bền vững. Do đó để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội cúng biển Mỹ Long, cần phát huy hết các giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế biển và ven biển Mỹ Long, mở rộng ra các xã lân cận để liên kết lại, hình thành một không gian du lịch đặc trưng với một chuỗi nhiều sản phẩm đa dạng. Đặc biệt là cần tạo ra một chuỗi sản phẩm trong không gian văn hóa ven biển, lấy lễ hội cúng biển làm trung tâm để phát triển du lịch: Không gian văn hóa du lịch tâm linh: Lễ hội cúng biển Mỹ Long - miễu Bà Chúa Xứ, Lầu Bà Cố Hỷ (Vàm Lầu), chùa Giác Linh, nhà thờ Công giáo Vinh Kim và Phước Hảo; không gian văn hóa du lịch mạo hiểm: Lễ hội cúng biển Mỹ Long - đáy hàng khơi, cồn Nghêu - Thủ (xã Long Hòa, huyện Châu Thành); không gian văn hóa du khảo lịch sử: Lễ hội cúng biển Mỹ Long - di tích Đồng Khởi, chùa Giác Linh, nơi thành lập Chi bộ Mỹ Long và một số địa điểm ghi dân chân bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh; không gian văn hóa du lịch ẩm thực truyền thống: Lễ hội cúng biển Mỹ Long - đặc sản ẩm thực biển, làng nghề hoa màu giồng cát, bánh tét Trà Cuôn, cốm dẹp Ba So.

Cơ sở sản xuất bánh tét sản phẩm ở làng nghề bánh tét Trà Cuôn, xã Kim Hòa 

Tiến sĩ Trương Thu Trang - Trường Đại học Bạc Liêu đề xuất: Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh vùng biển Trà Vinh. Du lịch văn hóa tâm linh thuộc loại hình du lịch văn hoá, tức loại hình du lịch dựa trên giá trị văn hoá của các cộng đồng, du lịch văn hoá tâm linh dựa trên các giá trị văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc, nhằm thoả mãn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, tham quan, tìm hiểu, thư giãn, an định tinh thần… của du khách.

Tiến sĩ Trương Thu Trang, Trường Đại học Bạc Liêu

Lễ hội cúng biển Mỹ Long là lễ hội xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng cá Voi, loài cá linh thiêng đã trở thành vị phúc thần trên biển cả bởi khả năng cứu độ người gặp cảnh đắm tàu trên biển. Do được phối tự tại ngôi miếu Bà Chúa Xứ nên lễ hội Cúng biển Mỹ Long bao gồm một chuỗi các nghi thức vừa là lễ hội Nghinh ông vừa là lễ hội Vía bà. Qua khảo sát nghi lễ cúng biển nơi đây cho thấy được nhiều điều thú vị, trở thành nét riêng, độc đáo có thể đưa vào khai thác du lịch hiệu quả. Để xây dựng mô hình sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh vùng ven biển Trà Vinh, dựa trên nguồn tài nguyên du lịch tâm linh ven biển sẵn có, tỉnh cần có sự kết nối với các chuyên gia để xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch thu hút khách tham gia trải nghiệm, hoặc có thể xây dựng chuỗi giá trị du lịch tâm linh ven biển để du khách có điều kiện trải nghiệm toàn diện hơn về đời sống tâm linh cư dân ven biển với những đặc trưng riêng gắn liền yếu tố văn hoá biển.

Hoạt động du lịch văn hoá tâm linh của du khách thường là khám phá địa danh tâm linh: Với loại hình này khách thường thích đến thăm những địa danh tâm linh nổi tiếng, Thiền Viện Trúc Lâm ở xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch văn hoá tâm linh ven biển. Với địa điểm thuận lợi như Thiền Viện Trúc Lâm, các ngành cần có thể bố trí các nội dung để du khách dừng chân lâu hơn và trải nghiệm nhiều hơn như: Khu đọc sách, thưởng trà, ngắm hoa kiểng lạ mắt, non bộ, không gian hướng biển…

Tổ chức các hoạt động hành lễ: Với hình thức này, du khách tham gia sâu hơn vào quá trình trải nghiệm nghi lễ, từ đó hòa mình vào không gian lễ hội, có thời gian ở lại lâu hơn với địa phương có hoạt động lễ hội. Chẳng hạn đến với lễ hội Nghinh Ông, tùy du khách mà ta có thể tổ chức cho du khách mặc áo Quan Công, Châu Xương, Quan Bình, hoặc vị Pháp Sư. Dù du khách không thực hiện cúng bái thật sự mà chỉ hóa thân để chụp ảnh lưu niệm hoặc áo mão của những vị công chúa; họ cũng tham gia ra khơi Nghinh Ông hoặc cùng thực hiện các nghi thức diễu quanh thị trấn; đặc biệt là hình thức diễn xướng bóng rỗi – địa nàng, nếu người đi lễ được tổ chức thử vai thì hoạt động du lịch của du khách sẽ tăng thêm phần hấp dẫn. Bên cạnh đó một số người đi du lịch văn hoá tâm linh và thực hiện các hoạt động lễ bái cầu an cầu phước thì các cơ sở thờ tự cũng cần có sự hỗ trợ nhiệt tình, chuyên nghiệp, để buổi hành lễ của họ đạt được sự trang nghiêm, tôn kính để sau khi hành lễ họ sẽ có được cảm giác bình an hơn. 

Trải nghiệm đời sống tâm linh: Đây là hoạt động du lịch văn hoá tâm linh đầy tiềm năng, nếu được xây dựng sẽ mang đến hiệu quả tốt cho ngành du lịch. Bởi, hiện nay khi xã hội ngày càng bận rộn, bộn bề trong cuộc sống, nhiều người tìm đến các cơ sở thờ tự để có không gian thanh tịnh và trải nghiệm, tham gia thực hành thiền định, có những buổi thiền trà, dùng ẩm thực chay, tạm xa rời chiếc điện thoại thông minh…để đạt đến sự bình an, thanh lọc tâm hồn, cảm nhận sự bao dung, yêu thương nhiều hơn sau khi trải nghiệm thực hành đời sống tu tập, tâm linh. 

Kết hợp cùng nhiều mục đích khác: Tuỳ theo mục đích, nhu cầu, thời gian… của du khách, mà chúng ta có thể thiết lập những gói sản phẩm phù hợp, hấp dẫn mới để thu hút sự quan tâm của khách đến với các sản phẩm tiếp theo. Đồng thời nên thiết kế các sản phẩm dù theo dạng chuyên đề hay theo dạng kết hợp thì cũng bộc lộ rõ chủ đề du lịch văn hóa tâm linh ven biển.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối và quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Với nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh ven biển có nhiều nét đặc thù, hứa hẹn tương lai sẽ xây dựng nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần làm mới diện mạo văn hóa du lịch tỉnh, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch huyện Cầu Ngang nói riêng, Trà Vinh nói chung./.

Mỹ Nhân