Di tích chùa Ta Lôn
Lượt xem: 4747
DI TÍCH CHÙA TA LÔN

Chùa Ta Lôn tọa lạc ở ấp Cái Cối, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 75 km về hướng Nam, cách thị trấn Duyên Hải khoảng 21 km về hướng Tây.

Cổng chùa Ta Lôn

Trong những năm kháng chiến, ngôi chùa không chỉ là cơ sở hoạt động bí mật, địa điểm nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng, mà còn là nơi  xuất phát nhiều phong trào đấu tranh chính trị.

Ngay từ khi Chi bộ xã Long Vĩnh được thành lập (04/9/1933), Chi bộ đã tổ chức phân công các đảng viên bám quần chúng, tuyên truyền vận động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Đối với chùa Ta Lôn, Chi bộ bàn với sư cả Triệu Minh Tên chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp của cách mạng, tổ chức nuôi chứa, bảo vệ cán bộ và mở các lớp học cho sư sãi, con em trong vùng. Các thầy giáo giảng dạy như sư Ngô Lâm Lẻ, sư Ngô Lâm Tỉnh đều là thành viên của cơ sở cách mạng. Vì vậy, thông qua các lớp học này, ngoài việc học chữ, giáo lý các thầy còn tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, âm mưu thâm độc của kẻ thù.
Nghi ngờ chùa Ta Lôn là cơ sở của cách mạng, năm 1943, tiến hành lục soát ngôi chùa nhưng không phát hiện được gì, chúng tức giận cho đốt cháy ngôi chánh điện và một tăng xá. Hành động của địch càng làm tăng thêm nỗi căm hờn trong sư sãi, phật tử và quần chúng nhân dân nơi đây.
Sau Cách mạng Tháng 8/1945, hưởng ứng các phong trào vận đọng của Chính phủ, chùa Ta Lôn và bà con phật tử đã quyên góp tiền của cùng nhiều dụng cụ đồng thau để chế tạo vũ khí. Cũng trong thời gian này, nhà chùa đã nuôi chứa, bảo vệ các cán bộ bám trụ hoạt động như: ông Maha Sơn Thông, Thạch Thiện Chí, Thạch Thanh, Thạch Sa Bút, Trần Lái, Hứa Minh Ngàn, Hứa Thành Công...
Năm 1948, ngôi chùa một lần nữa bị địch đến lục soát. Cũng như lần trước, không tìm thấy chứng cứ tên Prụm Yên cầm đầu lại cho lính đốt ngôi chính điện. Nhưng lần này, ngay sau khi chính điện bị đốt, các vị sư cùng bà con phật tử đã tổ chức kéo đến trụ sở tề xã đấu tranh, hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo chế độ thực dân”, “Đả đảo tên tay sai Prụm Yên đốt chùa Cái Cối”, buộc tên tề xã Quản Sai hứa sẽ trừng phạt những tên đốt chùa.
Năm 1953, sư cả Kim Huân hoàn tục, sư Sơn Hiến là thành viên của Ban Tăng sự yêu nước huyện Trà Cú được cử về trụ trì chùa Ta Lôn. Khi về trụ trì, sư cả cùng các vị sư của chùa như Sơn Thượng, Phan Sê, Phan Văn Thành, Nguyễn Văn Phụng, Phan Văn Mạnh, Phan Văn Kiều, Lữ Mét, Ngô Văn So tích cực hoạt động. Cũng trong năm này, một số vị sư của chùa lần lượt hoàn tục và tham gia hoạt động cách mạng như: Phan Chane, Thạch Huôl, Phan Lê, Thạch Phan Suôl, Trầm Hồng Sang, Hồng Văn Sai, Kiên Piếu, Phan Văn Hiếu, Phan Văn Chánh, Ngô Văn Miên, Huỳnh Văn Trừ, Huỳnh Văn Phải, Phan Văn Ngãnh.
Sang thời kỳ chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ xã Long Vĩnh, cơ sở cách mạng chùa Ta Lôn không ngừng phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất, một lòng theo Đảng đánh đổ quân xâm lược Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm thống nhất đất nước. Lúc này Ban Tăng sự yêu nước huyện Trà Cú, đứng đầu là Hòa thượng Kim Chao cử thầy giáo Trầm Chại đến công tác tại cơ sở chùa Ta Lôn. Thầy giáo Trầm Chại cùng với các vị sư của chùa tổ chức mở lớp dạy học đồng thời triển khai các tài liệu của Đảng.
Đầu năm 1955, địch ráo riết khủng bố quần chúng, trả thù những người kháng chiến gây cho ta một số thiệt hại. Để đối phó với tình hình, các vị sư chùa Ta Lôn bất chấp khó khăn, nguy hiểm và cả tính mạng của mình đã tổ chức nuôi chứa cán bộ ngay tại phòng riêng của mình. Nhiều đồng chí như: Đỗ Công Lao, Thạch Phan Suônl, ông Phan Lê, Hứa Văn Sang, Ngô Thành Ngữ, Lâm Văn Các, Phạm Văn Ửng, Hồng Văn Sai, Huỳnh Văn Núi, Huỳnh Văn Phải… đã được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ an toàn.
Năm 1959, địch mở cuộc hành quân ruồng bố thẳng tay bắn phá, giết người cướp của và bắt những người dân mà chúng tình nghi là “cộng sản nằm vùng”. Trong chiến dịch này, bọn chúng đã bắt sư cả Sơn Hiến và 04 vị sư cùng 03 phật tử chùa Ta Lôn. Ngay sau đó các sư sãi cùng hàng trăm phật tử kéo đến nhà tên trưởng ấp Phan Văn Nhì nơi bọn chúng đóng quân đấu tranh. Do không khai thác được gì và dưới áp lực đấu tranh của moi người, cuối cùng buộc chúng phải thả các vị sư và phật tử sau 03 ngày đêm giam giữ.
 
Một sự kiện còn được nhiều người nhắc mãi đó là vào cuối tháng 5/1960, Tỉnh đội Trà Vinh đưa đơn vị bộ đội tỉnh về để tiêu diệt đồn Kinh Đào. Bộ phận công đồn do đồng chí Đỗ Văn Tự (Tư Râu) chỉ huy. Trước khi xuất trận đồng chí Tư Râu đến chùa Ta Lôn để nắm tình hình không mai  bị địch phát hiện. Chánh quản Đinh điều động lính bao vây chùa và tiến hành lục soát. Trước tình hình đó, sư cả Sơn Hiến và các vị sư chùa Ta Lôn một mặt đấu tranh ngăn chặn không cho địch vào chùa, đồng thời tổ chức đưa đồng chí Tư Râu xuống hầm bí mật ở chính điện ẩn náo an toàn.
Cuối năm 1960, tại sân chùa Tà Lôn, Mặt trận Dân tộc Giải phóng xã Long Vĩnh được thành lập và ra mắt trước hơn 500 đại biểu quần chúng. Trong buổi lễ có hơn 20 vị sư do sư cả nhì Sơn Thượng lãnh đạo khi hoàn tục đã tình nguyện tham gia kháng chiến giải phóng dân tộc.
Đặc biệt trong năm 1962, cơ sở cách mạng tại chùa do sư cả nhì Sơn Cương đảm trách, nhiều vị sư như: Sư Trầm Văn Nho, Trần Văn Hương, Thạch Phanh, Lâm Hoàng Rây, Ngô Văn Thèm, Ngô Văn So, Hà Trùng Bồi được kết nạp vào Đảng và Chi bộ xã Long Vĩnh công nhận đây là một tiểu tổ Đảng do sư cả nhì Sơn Cương lãnh đạo. Giai đoạn này Huyện ủy chỉ đạo các xã đẩy mạnh ba mũi giáp công, các vị sư cơ sở chùa Ta Lôn đã tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch, tham gia công tác binh vận. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của các vị sư và phật tử kéo về đồn tề xã Long Vĩnh đưa yêu sách đòi tề xã thả các phật tử bị bắt trong các cuộc đấu tranh trước đó đang bị giam giữ, tra tấn. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi, địch phải trả tự do cho 19 phật tử.
Tháng 02/1962, không thực hiện được ý đồ gom dân vào ấp chiến lược, địch bỏ thuốc độc vào nguồn nước ngọt làm chết 02 trẻ em và 01 vị sư chùa Ta Lôn. Sau đó dưới sự chỉ đạo của Chi bộ xã Long Vĩnh, các vị sư chùa Tà Lôn cùng phật tử chùa phối hợp cùng với lực lượng sư sãi và quần chúng nhân dân trong tỉnh xuống đường biểu tình tại tỉnh lỵ. Bọn Ty đặc trách Miên vụ đưa lính ra ngăn chặn và bắt giam các vị sư dẫn đầu trong đó có 06 vị sư chùa Ta Lôn là sư Sơn Cương, Trần Văn Hương, Thạch Phanh,  Lâm Hoàng Rây, Tăng Song, Thạch Rẹm. Chúng đưa các vị sư về giam giữ tại chùa Kom Pong Ksanl (chùa Tri Tân- Trà Vinh) một tuần sau mới thả về.
Tháng 5/1964, địch cho máy bay ném bom và tàu thủy quân lục chiến  đậu ở cửa biển Định An nả đạn pháo vào chùa Tà Lôn làm hàng chục ngôi nhà, chủ chùa là ông Sơn Rượng chết cùng 08 phật tử bị thương. Ngôi tha la bị cháy rụi và chánh điện bị sụp đổ một phần. Cũng trong năm này, Tỉnh hội Sư sãi yêu nước mở lớp bồi dưỡng kiến thức và đẩy mạnh kế hoạch binh vận, sãi vận tại chùa để đào tạo thêm những cán bộ nồng cốt hợp pháp, có trên 40 vị sư trong tỉnh đến tham dự.
Những năm 1965-1968, địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét và sử dụng máy bay phun thuốc khai hoang, rải chất độc màu da cam. Ngày 22/02/1966, 18 vị sư và hơn 100 phật tử của chùa kéo ra khu trù mật Cái Đôi đấu tranh với địch. Bọn tề xã Long Vĩnh đưa Đại đội 91 ra đàn áp nhưng đoàn đấu tranh vẫn kiên cường xông tới. Trong lúc đó ta chia một mũi kéo thẳng lên tiểu khu Vĩnh Bình đưa yêu sách. Cuộc đấu tranh của sư sãi và đồng bào Khmer Long Vĩnh được sư sãi và đồng bào Khmer cả tỉnh hỗ trợ nên đã giành thắng lợi.
Giai đoạn chống lấn đất giành dân, sư sãi và bà con phật tử chùa Ta Lôn góp tiền mua vải may trên 500 lá cờ Mặt trận treo trước nhà của nhân dân ở bờ kênh Tắc Xẻo Bộng và trên giồng ấp Kênh Đào.

Di tích chùa Ta Lôn

Hưởng ứng chiến dịch Hồ Chí Minh Chi bộ xã Long Vĩnh chỉ đạo lấy chùa Ta Lôn làm cơ sở hội họp triển khai kế hoạch đánh địch. Các vị sư của chùa không ngừng nắm bắt tin tức, báo cáo tình hình nội bộ của địch với cán bộ cách mạng để kịp thời xử lý đối phó theo từng tình huống, góp phần vào việc đánh tiêu diệt đồn ấp Kinh Đào, rồi đồn tề xã Long Vĩnh. Bọn ngụy quân tề xã một số chết, một số bị thương, một số bỏ hàng ngũ chạy ra theo cách mạng. Không dừng ở đó, bộ đội ta hành quân thần tốc đánh vào chi khu Long Khánh làm cho địch không kịp trở tay, ta tiêu diệt thu gom toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng. Trong chiến dịch, con em phật tử chùa Ta Lôn đi dân công hỏa tuyến trên 50 người. Các vị sư chùa Ta Lôn đi từng nhà dân kêu gọi binh sĩ bỏ hàng ngũ chạy tìm đường thoát về Đôn Châu- La Bang ra trình diện với cách mạng để được hưởng chính sách khoan hồng.

Với những thành tích đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước, các vị sư và phật tử chùa Ta Lôn được Nhà nước tặng nhiều bằng khen, huân, huy chương. Ngày 18/4/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1457/ QĐ-BVHTTDL công nhận chùa Ta Lôn là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hoài Nam