Di tích chùa Long Thành
Lượt xem: 4889
DI TÍCH CHÙA LONG THÀNH

Chùa Long Thành còn gọi là chùa Xẻo Son tọa lạc ở ấp Long Thuận, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - là một trong những ngôi chùa giàu truyền thống cách mạng.

Di tích chùa Long Thành

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Long Thành là trụ sở của cách mạng. Tại đây thường xuyên có các cơ quan của huyện và xã về đóng như: Thường trực Huyện ủy, Huyện đội, Đảng ủy xã Lưu Nghiệp Anh và nhiều bộ phận khác. Các vị sư và bà con phật tử của chùa bất chấp nguy hiểm sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng… Từ đó, ngôi chùa được xem là chỗ dựa vững chắc để cán bộ ta hoạt động và là cái nôi của phong trào cách mạng ở địa phương. Chính tại nơi đây đã xuất phát nhiều trận đánh, đã khởi xướng nhiều phong trào đấu tranh chính trị.
Chùa Long Thành được nhà sư Nguyễn Công pháp danh Thiện Trí quê quán ở Ô Môn - Cần Thơ đứng ra xây cất vào năm 1908. Lúc mới tạo dựng ngôi chùa đơn sơ bằng tre lá. Qua thời gian, nhà sư Nguyễn Công cùng với bà con phật tử luôn chăm lo sửa ngôi chùa để làm nơi tu hành cho các phật tử. Năm 1920, nhà sư Nguyễn Công được Trung ương Hội Chủ tăng đề cử phong tặng Hoà Thượng pháp danh Thiện Trí theo hệ phái Thiền Lâm và từ đây ngôi chùa cũng được đặt tên chính thức là chùa Long Thành.
Ngay từ những ngày tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945, chùa Long Thành lúc này do nhà sư Phạm Văn Thạnh pháp danh Huệ Phúc trụ trì đã hiến sân chùa cất trụ sở làm cơ quan để cách mạng tập hợp lực lượng luyện tập quân sự chuẩn bị khởi nghĩa. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Thanh niên Tiền phong huyện Trà Cú do đồng chí Phan Lê Văn Tồn, Cao Phát Thành, Đỗ Văn Nại lãnh đạo đã huy động lực lượng Thanh niên Tiền phong và quần chúng trong đó có lực lượng của chùa Long Thành xuống đường nổi dậy bao vây cướp chính quyền xã Lưu Nghiệp Anh rồi phối hợp cùng lực lượng toàn huyện Trà Cú khởi nghĩa giành thắng lợi vào ngày 25/8/1945.
Bước sang giai đoạn trường kỳ kháng chiến, tháng 4/1946, chùa Long Thành được chọn làm căn cứ Huyện ủy để các cán bộ xã đến liên hệ làm việc. Tháng 1/1947, địch mở nhiều cuộc hành quân cả thủy, không quân vào địa bàn Trà Cú đàn áp phong trào cách mạng. Tại Lưu Nghiệp Anh, địch cho tàu chiến đổ bộ lên ấp Vàm, Long Thuận bắn phá, đốt nhà, cướp bóc tài sản, hãm hiếp phụ nữ, nhiều gia đình sau đó phải tản cư vào chùa tránh giặc. Cũng trong thời điểm này, các vị sư của chùa cho phá bỏ một phần ngôi chính điện nhằm không cho địch đóng quân. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có một tháp cao đựng hài cốt Hoà thượng Thích Thiện Trí, mỗi khi có tàu địch tuần tiễu cán bộ ta leo lên quan sát, nếu thấy cần thiết dùng trống, mõ đánh làm tín hiệu để cán bộ cùng với nhân dân ẩn tránh. Ngoài ra, nhà chùa còn phân công sư tăng Trần Văn Hiển pháp danh Thiện Danh tổ chức lớp học để dạy cho các em trong vùng. Sư Trần Văn Hiển sau đó tình nguyện tham gia vào bộ đội thuộc đơn vị Trung đoàn 109,  rồi Trung đoàn 111 Quân khu 8. Đến năm 1954, đồng chí Trần Văn Hiển tập kết ra Bắc.
Từ năm 1954 đến năm 1959, chùa Long Thành là cơ quan của Đảng ủy xã. Các đồng chí Lâm Trí Viễn, Thái Văn Xiêng, Năm Nhiêu là cán bộ huyện cũng thường xuyên có mặt ở đây.
Sau Đồng Khởi năm 1960 đến năm 1962, đồng chí Thái Văn Khanh (Hai Quân) Phó Bí thư xã tổ chức một tổ công binh chế tạo vũ khí, phục vụ chiến đấu bảo vệ căn cứ. Công trường được đặt trong khuôn viên chùa cách chính điện khoảng 120m về hướng đông nam. Công trường đã tận dụng bom, mìn lép của địch chế tạo được trên 8.000 quả mìn, lôi và lựu đạn…
 
Tháng 10/1966, địch mở một cuộc càn quét lớn vào vùng Xẻo Son, chúng dùng 49 trực thăng, 13 tàu chiến lớn nhỏ, đổ hai Trung đoàn 14,16 thuộc Sư đoàn 9 ngụy, bên dưới có hai xe lội nước, trên bầu trời có phi cơ yểm trợ tiến đánh khu căn cứ của ta. Lực lượng của ta kiên cường đánh trả, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch làm cho chúng nhiều tổn thất. Sau cuộc càn quét ấy ngơi chùa bị hư hỏng nặng do trúng nhiều bom pháo của địch. Sau đó nhà chùa cùng với bà con phật tử tu sửa lại. Đồng thời, nhà chùa còn hiến cho cách mạng gỗ để đóng xuồng làm phương tiện phục vụ hậu cần chiến đấu.
Những năm 1969-1973, chùa lại là cơ quan của Phòng Tổ chức Huyện ủy và đơn vị du kích xã Lưu Nghiệp Anh, xã Ngãi Xuyên. Giai đoạn này Mỹ ngụy khủng bố ác liệt, chúng dùng máy bay oanh kích, rải chất khai hoang xuống vùng Long Thuận làm cho ngôi chùa bị hư hỏng nặng nề, một nhà sư bị thương, một số cán bộ đã hi sinh cùng 4 người dân đã thiệt mạng. Sau đó ta vận động nhân dân phần đông là phật tử cả người Kinh và người Khmer trên 1.000 người kéo về xã đòi phải bồi thường thiệt hại.
Rồi ngày 30/4/1975 lịch sử đã đến, miền Nam hoàn toàn giải phóng ngôi chùa cũng được sửa sang lại để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của phật tử, chùa lập ban hộ tự đồng thời Tỉnh hội Phật giáo Trà Vinh bố trí sư cô Diệu Đường xuống nhập tự và trụ trì đến nay.
Chùa Long Thành đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung trong trang sử của Đảng bộ quân dân Trà Cú, Đảng bộ quân dân Trà Vinh anh hùng và xứng đáng trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngày 21/7/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ra Quyết định số 1367/QĐ-UBND công nhận chùa Long Thành là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Tường Đoan