Di tích chùa Bào Môn
Lượt xem: 3841

Tọa lạc ở ấp Bào Môn, xã Đôn Châu, huyện Trà Cú chùa Đom Bon Bak (chùa Bào Môn) là ngôi chùa có nhiều thành tích cách mạng.

Nằm trong điạ bàn chiến lược giáp ba huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải, vì vậy trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đây là vùng tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc tôn giá và dụa vào các chùa để chia rẻ đồng bào, chống phá cách mạng.

Ngay từ những ngày đầu khi Chi bộ xã Đôn Châu thành lập, Chi bộ nắm được ý đồ của địch nên đã đến các chùa xây dựng cơ sở. Đối với chùa Bào Môn, đồng chí Bí thư Chi bộ Trần Văn Khôi bàn với sư cả Kim Nhiêu Kem chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chúa cán bộ đồng thời vận động các nhà sư lập ra Ban Tăng sự yêu nước tỉnh, tổ chức biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô giảm thuế.

Sự kiện Ty Giáo dục đưa ông Tăng Khê, ông Ngà về chùa Bào Môn dạy học trong những năm 1946 – 1950 là điều kiện tốt. Thông qua các lớp học, hai ông đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng cho thanh niên. Từ những lớp học này nhiều người sau đó trở thành những cán bộ, chiến sĩ cách mạng.

Năm 1951, trong trận càn vào ấp Bào Môn và ấp Mồ Côi, xã Đôn Châu địch bắn chết một số cán bộ như ông Dương Thành Biên, ông Tám Thân, ông Thuối, ông Tệch, ông Quan,…sư cả Kim Nhiêu Kem đã vận động phật tử đưa xác các cán bộ về chùa tổ chức mai táng. Riêng ông Tệch khi đem về chùa thì tỉnh lại, sư cả tổ chức đưa về trạm quân y huyện cầu Ngang cứu chữa, đồng thời sư cả thu gom tài liệu cất giấu. Sau đó trong một trận càn của lính Commendo thì nhà chùa đã đưa một số cán bộ vào các tháp, và trần chính điện ẩn náu. Nhiều cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp đã được nhà chùa nuôi chứa, đùm bọc, chở che như: ông Ma Ha Sơn Thông, Sơn Phước Rọth, Trần Lái, Thạch Ngọc Biên, Trần văn Khôi, Chạr Khiêu, Trần văn Tệch, Năm Chiêu, Mười Lành,…

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa Bào Môn tiếp tục là cơ sở vững chắc của cách mạng. Nhiều hầm bí mật được làm trong khuôn viên chùa, dưới bệ thờ Phật, trên trần chính điện và ngay trong phòng của sư cả Kim Nhiêu Kem, sư Kim Tốc Chơn, Sơn Lương. Nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với chùa được nhiều người biết đến như:

Nhân ngày lễ Đôn-ta năm 1960, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, hàng ngàn người gồm sư sãi, đồng bào Kinh, Khmer tập trung tại chùa rồi kéo về Trà Vinh biểu tình đưa yêu sách đòi tên tỉnh trưởng thả Acha Phơ, Acha Luis Sa Rát, chống bắt bớ giam cầm người yêu nước, chống đàn áp sư sãi, đòi tự do đi lại học hành. Đoàn biểu tình chia làm nhiều cách tiến về Trà Vinh. Riêng cánh Trà Cú khi đi đến Phước Hưng, tên tỉnh trưởng Lê Hoàng Thao đưa lực lượng đến ngăn chặn nhưng không thể ngăn cản được bước tiến của đoàn biểu tình. Khi đoàn biểu tình đến Cầu Giồng Lức, tên tỉnh trưởng hốt hoảng trực tiếp đến chỉ huy đàn áp. Đụng độ xãy ra làm ta bị thương 10 người, nhưng rồi tên tỉnh trưởng cũng phải hứa thả Acha Phơ, Acha Lui Sa Rát và giải quyết nhiều yêu sách.

Sau cuộc biểu tình, Ban Sư sãi vận và Ban Chỉ đạo lực lượng đấu tranh tỉnh tổ chức mít-tinh mừng thắng lợi tại chùa, có đội dù kê biểu diễn phục vụ. Địch phát hiện liền đưa Sư đoàn thủy quân lục chiến đến bao vây chùa, bắn chết ông Thạch Sa Rây và bắt giải về Trà Vinh 21 vị sư trong đó có sư cả Kim Nhiêu Kem. Biển lửa của cuộc mít-tinh lại được châm thêm dầu, đồng bào khiêng xác ông Thạch Sa Rây lên huyện, lên tỉnh đấu tranh. Riêng đối với sư cả Kim Nhiêu Kem, sau nhiều lần mua chuộc, dụ dỗ không thành, chúng ép buộc sư cả lên Đài phát thanh Ba Xuyên kêu gọi đồng bào sư sãi không theo Việt cộng. Sư cả nhất quyết cự tuyệt, cuối cùng chúng cũng phải thả sư cả ra.

Cuối năm 1968, địch phát hiện lực lượng du kích đóng tại chùa, chúng đưa quân đến bao vây và kêu gọi đầu hàng. Trước tình thế khó khăn đó, với sự nhạy bén, sư cả Kim Nhiêu Kem cho tiểu đội du kích xuống xi-tẹt nước trước chính điện, rồi bằng những lời lẽ khéo léo, kiên quyết, sư cả giải thích cho bọn địch hiểu đây là nơi tu hành, mình là người Khmer phải tôn trọng người tu hành và chùa chiền. Trước những lý lẽ thuyết phục của sư cả, bọn địch cũng không tìm được chứng cớ đành phải rút đi trong sự tức giận.

Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng nông thôn, giải phóng Trà Vinh, tháng 9/1974 đồng chí Thạch Tua (Ba Tưa) – Trưởng Ban Khmer vạn tỉnh đã bàn với sư cả Kim Nhiêu Kem đưa một số cán bộ đặc công của tỉnh giả dạng vào chùa tu, để sau đó sư cả dùng xe jeep của chùa đưa các “nhà sư” Nguyễn Thành Công (Út Danh), Ba Trung,...đi nghiên cứu tình hình tề xã Đôn Châu, tề xã Long Sơn, tề xã Nhị Trường. Sau gần nửa tháng nghiên cứu, vạch ra kế hoạch, ta đã tổ chức đánh địch và nhanh chóng tiêu diệt tề xã Đôn Châu, Long Sơn, riêng tề xã Nhị Trường thì bị thiệt hại nặng.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Trà Vinh, hòa thượng Kim Tốc Chơn – Trưởng Ban Sãi vận tỉnh đã phân công sư Lâm Rường Sơn (chùa Bào Môn) cùng các vị sư Sơn Song, Thạch Sương, Sơn Sa Ra vào dinh tỉnh trưởng thuyết phục tên Nguyễn Văn Sơn tỉnh trưởng Vĩnh Bình kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Với tinh thần “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả cho kháng chiến” bà con phật tử, sư sãi chùa Bào Môn đã đóng góp hàng chục lượng vàng, hàng ngàn giạ lúa và nhiều vật dụng khác. Có 25 vị sư và phật tử đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Riêng sư cả Kim Nhiêu Kem được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, Huy chương vì sư nghiệp phát triển dân tộc. Chùa Bào Môn được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra quyết định số 1022/QĐ-UBND ngày 10/6/2005 công nhân là di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                                    Văn Tưởng