Tọa đàm “Bảo tồn phát huy giá trị di sản Lễ hội Cúng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch”
Lượt xem: 1917
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ hội chợ thương mại, ẩm thực gắn Lễ hội Cúng biển Mỹ Long năm 2020. Ngày 29/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với UBND huyện Cầu Ngang tổ chức tọa đàm “Bảo tồn phát huy giá trị di sản Lễ hội Cúng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch”. Ông Trần Minh Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; ông Tô Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện; Tiến sĩ Tạ Duy Linh - Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan xúc tiến du lịch, thông tấn báo chí tham dự.

Đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Trần Minh Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh: Trà Vinh là vùng đất sinh sống lâu đời của các dân tộc Kinh-Khmer-Hoa. Trong quá trình cộng cư, các dân tộc đã kiến tạo nên hệ giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo và hấp dẫn. Cộng đồng các dân tộc tỉnh Trà Vinh từ xưa đến nay luôn có ý thức bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống. Chính các giá trị di sản là thành tốt quan trọng cấu thành nên sản phẩm du lịch độc đáo mang nét đặc trưng riêng, tạo ấn tượng sâu sắc đối với du khách khi đến với Trà Vinh. Tỉnh Trà Vinh có 528 di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, danh lam thắng cảnh. Trong số các di tích xếp hạng cấp quốc gia thì Lễ hội Cúng biển Mỹ Long, huyện Cầu Ngang đã tồn tại hơn 100 năm và thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham gia, rất có giá trị để khai thác phát triển du lịch. 
 
Giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của huyện Cầu Ngang, ông Tô Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Cầu Ngang vốn là địa phương có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, nằm bên bờ sông Cổ Chiên và cửa Cung Hầu; là vùng đất mang nét đặc trưng cho sự giao thoa, chuyển từ đồng bằng sang vùng biển, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Toàn huyện có các làng nghề truyền thống như: Bánh Tét Trà Cuôn, chế biến thủy hải sản thị trấn Mỹ Long, Cốm dẹp Ba So – Nhị Trường, Tôm khô Vinh Kim. Với tiềm năng phát triển du lịch của huyện, tỉnh đang thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư cho ngành nghề chế biến thủy hải sản và các làng nghề truyền thống. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu phát triển du lịch ở những điểm có điều kiện của huyện như hàng dương, Cồn Nghêu và Cồn Bần xã Mỹ Long Nam, phấn đấu đến năm 2020, Trà Vinh sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Tô Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch địa phương

Nhân buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu cùng các diễn giả cũng có nhiều chia sẽ tích cực và rất có giá trị thông qua các tham luận nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Cúng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch xoay quanh các chủ đề như: Giá trị di sản văn hóa phi vật thể Cúng biển Mỹ Long gắn với phát triển du lịch của Nhà nghiên cứu Trần Dũng - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh; Đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh vùng biển Trà Vinh của Tiến sĩ Trương Thu Trang - Trường Đại học Bạc Liêu hay vài kiến nghị trong khai thác tài nguyên du lịch biển gắn với khai thác phát triển du lịch huyện Cầu Ngang của Thạc sĩ Nguyễn Thành Luân - Báo Đại đoàn kết; Hành trình từ sông ra biển của Giáo sư Chung Đình Chương - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh.

Trong không khí cởi mở, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp lữ hành đã trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm giúp Trà Vinh bảo tồn phát huy giá trị di sản Lễ hội cũng biển Mỹ Long trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Trung Kiên 

1 người đã bình chọn
Tin khác