Sức sống mới trong đồng bào Khmer qua một nhiệm kỳ
Lượt xem: 2251
Cầu Ngang là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống chiếm 34,7% dân số. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đồng bào Khmer có chuyển biến tích cực, đặc biệt là huyện tập trung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhờ vậy đời sống đồng bào Khmer ngày càng phát triển rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm còn 10,11%.

Những ngày này về các xã có đông đồng bào Khmer, chúng ta dễ dàng nhận thấy phum sóc ngày càng khởi sắc. Hệ thống giao thông nông thôn các xã được thông thương, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đường nối liền đường, nhà nhà có điện thắp sáng, những ngôi nhà tạm đã được xây dựng kiên cố và bán kiên cố. Long Sơn là xã vùng sâu của huyện, đồng bào Khmer chiếm 49,83%, hộ nghèo Khmer hiện còn 246 hộ, chiếm 67,4%. Một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo qua từng năm trên địa bàn nhờ triển khai XDNTM gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Vùng thâm canh cây màu của người dân ấp Huyền Đức, xã Long Sơn giải quyết việc làm nhiều lao động nữ Khmer trong mùa thu hoạch

Ông Thạch Ru La - Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: Tuy xã còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với những kết quả đạt được trong giảm nghèo gắn với XDNTM là nền tảng, động lực lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục đoàn kết, xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới vào năm 2022. Để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, thời gian tới, xã tiếp tục tập trung các giải pháp chuyển đổi hiệu quả mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào Khmer, điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với XDNTM, bố trí tập trung cây trồng phù hợp với từng vùng, ưu tiên các chính sách hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật giúp đồng bào Khmer phát triển sinh kế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Gia đình ông Thạch Bu Rane, ấp Tân Lập, xã Long Sơn là hộ dân được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ gà giống để phát triển sinh kế, thúc đẩy kinh tế gia đình cho biết: do hoàn cảnh khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề làm thuê. Hơn 05 năm trước, tôi được xã tạo điều kiện vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 12 triệu đồng làm vốn mua bán. Ban đầu mua lá lợp nhà sau đó vận chuyển bán lại, gần đây tôi mua thêm mặt hàng rơm rạ bán lại thu nhập khoảng 03 triệu đồng/tháng. Năm 2019 được xã hỗ trợ 300 gà giống và 30% thức ăn công nghiệp với tổng vốn hỗ trợ không hoàn lại 08 triệu đồng. Sau 04 tháng nuôi xuất bán thu nhập 22 triệu đồng, lợi nhuận 16 triệu đồng, cuộc sống gia đình từng bước ổn định. Có được cuộc sống hôm nay nhờ địa phương quan tâm giúp vốn, con giống phát triển sinh kế gia đình, thời gian tới, tôi tiếp tục cải tạo chuồng trại tái đầu tư gà nuôi để thúc đẩy kinh tế gia đình.

Từ sự hỗ trợ của địa phương thông qua nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gia đình bà Thạch Thị Sang, ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa xây dựng nhà ở, nuôi bò sinh sản thúc đẩy kinh tế gia đình. Bà Sang cho biết: 05 năm trước, nhà nghèo, không đất sản xuất, gia đình tôi làm thuê ở tỉnh Bình Dương, cuộc sống chẳng dư giả nên về quê thuê đất trồng rẫy. Trong thời gian này, địa phương tạo điều kiện vốn vay 10 triệu đồng mua bò sinh sản, đến năm 2020, gia đình tiếp tục được hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng xây dựng nhà ở kiên cố hơn. Nhờ chịu khó làm ăn kinh tế gia đình dần ổn định. Với 0,15 ha đất thuê trồng 03 vụ màu/năm chủ yếu đậu đũa, dưa leo, bầu, bí, lợi nhuận bình quân từ 04 - 06 triệu đồng/vụ. Nhớ lại những năm tháng làm thuê ở quê người, vào dịp lễ, Tết mới được về quê. Thu nhập bấp bênh, có nằm mơ cũng không dám nghĩ có nhà kiên cố để ở, nay có được mái che chắc chắn, gia đình vui mừng không xiết.

Cầu Ngang có 08 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, trong đó Kim Hòa là xã đầu tiên Chương trình 135 đạt chuẩn xã NTM. Hiệp Hòa là 01 trong 08 xã đặc biệt khó khăn, năm 2020 cùng với xã Mỹ Hòa, Hiệp Hòa tập trung đồng bộ các giải pháp xây dựng đạt chuẩn xã NTM. Trên cơ sở đó, Hiệp Hòa tập trung ưu tiên giảm nghèo bằng các hành động cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cho vay vốn ưu đãi, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xuất khẩu lao động. Trong 05 năm qua, công tác giảm nghèo của xã Hiệp Hòa đạt kết quả đáng khích lệ, hộ nghèo còn 172 hộ chiếm 6,94%, vùng đồng bào Khmer trong xã có điện sử dụng, nước sạch sinh hoạt,… Bên cạnh đó, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer được giữ gìn và phát huy, quốc phòng, an ninh được nâng lên. Thu nhập bình quân đạt 50,1 triệu đồng/người/năm; hộ sử dụng điện chiếm 99,48%; 98,32% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, 66% hộ sử dụng nước sạch; công tác phổ cập giáo dục tiếp tục duy trì và được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 3 và xóa mù chữ cấp độ 2…những kết quả đó là nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành cho hộ nghèo, cận nghèo và đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông… Từ đó, trở thành bước đệm vững chắc cho sự phát triển của phum, sóc và thúc đẩy lộ trình xây dựng hoàn thành xã NTM sắp tới. 

Theo bà Trần Thị Kim Chung - Phó Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, nhiệm kỳ qua, huyện đã triển khai mạnh mẽ các chương trình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện các chính sách và chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội như mô hình nuôi bò, trồng màu thế mạnh của địa phương, nhờ vậy mà hộ nghèo của huyện giảm đáng kể. Bên cạnh đó, huyện ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, tạo cho Nhân dân có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trong 05 năm qua, huyện đầu tư 43,879 tỷ đồng xây dựng 99 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135, trong đó xây dựng mới 54 công trình đường nông thôn, đường điện và duy tu, bảo dưỡng 36 công trình giao thông.

Song song đó, huyện hỗ trợ 10,748 tỷ đồng cho 717 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án nuôi bò, nuôi thỏ sinh sản; gần 02 tỷ đồng cho 134 hộ thực hiện nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản; hỗ trợ 727 hộ Khmer vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm với số tiền 5,816 tỷ đồng theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013-2015. Số lao động đồng bào Khmer được đào tạo và có việc làm khoảng 5.459 lao động.

Mỹ Nhân

Tin khác