Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 – 2030
Lượt xem: 3422
Nhằm kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 462/QĐ-UBND ngày 28/02/2022 phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 – 2030.

Ảnh minh họa

Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là quản lý trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi; tiêm vắc-xin Dại cho trên 70% tổng đàn chó, mèo nuôi; giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại; xây dựng thành công thêm 08 cơ sở an toàn dịch bệnh Dại cấp xã, phường và duy trì 02 cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh Dại trong giai đoạn 2017 - 2021. Đối với phòng, chống bệnh Dại ở người, đảm bảo 100% ca bệnh Dại phải được báo cáo, điều tra và xử trí kịp thời, có sự phối hợp giữa cơ quan Thú y và y tế dự phòng; 100% nhân viên y tế phụ trách công tác phòng, chống dịch các tuyến được tập huấn về các hướng dẫn và quy trình giám sát, phòng chống bệnh Dại; 100% các điểm tiêm phòng Dại trong toàn tỉnh đều thực hành tiêm chủng đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn và được giám sát ít nhất 1 lần/năm; 100% cơ sở y tế có thực hiện hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh Dại cho cộng đồng tại đơn vị. 

Để phòng, chống bệnh Dại hiệu quả, kế hoạch đề ra một số giải pháp như: quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó, mèo; điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh Dại; điều tra, ứng phó, xử lý ổ dịch Dại; giám sát bệnh Dại trên động vật; giám sát bệnh Dại trên người; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh Dại; kiểm soát vận chuyển chó, mèo; thành lập các Đoàn công tác. 

UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo thực hiện: đăng ký việc nuôi chó, mèo; nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó, mèo phải được xích, rọ mõm và có người dắt khi đưa ra khỏi nhà đề phòng cắn người; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường; tiêm vắc-xin phòng Dại cho chó, mèo và phải thanh toán các khoản chi phí quản lý đàn chó, mèo, tiêm phòng theo quy định; theo dõi vật nuôi, khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, phải nhốt con vật để theo dõi và báo cho nhân viên thú y cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất. Không được vận chuyển hoặc bán động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại; khi động vật được xác định mắc bệnh Dại, chủ nuôi phải chấp hành tiêu hủy con vật, thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc toàn bộ chuồng nuôi, dụng cụ nuôi, phương tiện vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải và các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh. Những con vật nghi mắc bệnh Dại phải nhất để theo dõi trong 10 ngày, tiêm vắc-xin Dại cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch, vùng dịch; chủ nuôi có chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi Dại cắn, cào người khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo, sản phẩm chó, mèo phải chi trả kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm mẫu bệnh Dại theo quy định.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân hành nghề khám, chữa bệnh chó, mèo thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại, đánh dấu để nhận diện chó, mèo đã tiêm vắc-xin, cấp sổ tiêm phòng và định kỳ hàng tháng báo cáo tổng hợp số liệu tiêm phòng vắc-xin Dại chó, mèo đến cơ quan thú y địa phương, trong trường hợp khám và điều trị nếu phát hiện chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh Dại phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để xử lý kịp thời.

T.P

 

 

Tin khác