Đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Lượt xem: 3060
Sáng ngày 20/12, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tổ chức hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh có liên quan. 

Quang cảnh hội nghị

Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia. Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam (quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa) đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có thể kể đến như: tổng doanh thu điện ảnh năm 2019 đạt trên 4,1nghìn tỷ đồng; tổng thu từ khách du lịch đạt 720.000 tỷ đồng năm 2019, ước đạt 495.000 tỷ đồng năm 2022…

Hiện nay, cả nước có khoảng 1.926 làng nghề đã được công nhận đang hoạt động. Mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm. Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD.

Hoạt động ngoại giao văn hóa được sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và vận động thành công việc ghi danh các danh hiệu di sản của UNESCO. Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã có 48 danh hiệu các loại được UNESCO ghi danh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Lĩnh vực báo chí - xuất bản có những bước phát triển mới, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới, giữ vững định hướng chính trị và ổn định xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của nhân dân, góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Công tác bảo tồn các di sản, công trình kiến trúc có giá trị được quan tâm hơn và trở thành một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra bản sắc dân tộc. Tính đến tháng 6/2022, Việt Nam có trên 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 3.581 di tích quốc gia, 119 di tích quốc gia đặc biệt, 396 di sản văn hóa phi vật thể ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhằm đạt được mục tiêu được giao tại Chiến lược, phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định phương hướng trong thời gian tới là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư; phát triển thị trường; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế; bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định những kết quả đạt được của việc thực hiện Chiến lược là rất quan trọng; thông qua kết quả có cái nhìn rõ hơn về ngành công nghiệp văn hóa, thấy được trách nhiệm của từng địa phương. Qua hội nghị này, Bộ trưởng đề nghị tập hợp đầy đủ ý kiến của nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ hoàn thiện chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển văn hóa. Các địa phương cần triển khai quyết liệt hơn, cụ thể hơn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa vì sự phát triển chung của đất nước.

Nguyên Chương

 

 

Tin khác