Đa dạng sinh kế với mô hình “người có giúp người khó”
Lượt xem: 4424
Đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi thách thức ở các lĩnh vực công tác, khẳng định vị thế của người phụ nữ trong thời đại mới - Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh cùng các cấp Hội cơ sở đã triển khai, thực hiện hiệu quả nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Nổi bật trong số ấy là phong trào giúp phụ nữ phát triển kinh tế, chăm lo hỗ trợ sinh kế “Người có giúp người khó”. 
 

 

Chị Thạch Thị Can Ga (áo đỏ) trao đổi với cán bộ Hội LHPN xã Ngũ Lạc

“Hướng mạnh về cơ sở” - “ở đâu có phụ nữ ở đó có hoạt động Hội”, với sự nỗ lực, quyết tâm không ngừng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới.

Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy Trà Vinh về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 cùng chủ đề năm của Trung ương Hội, kế hoạch chuyên đề hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững – Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã cụ thể hóa bằng nhiều mô hình, phần việc thiết thực. Nổi bật là phong trào giúp phụ nữ phát triển kinh tế, chăm lo sinh kế “Người có giúp người khó”. Theo đó, Hội vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tự nguyện đóng góp số tiền 1.000 đồng/người để tạo thêm niềm tin, động lực giúp hội viên vượt khó, phát triển. Ngay sau khi được hỗ trợ sinh kế, hội viên cam kết triển khai mô hình chăn nuôi, trồng trọt và thực hiện lâu dài, cố gắng thoát nghèo bền vững.

Chị Thạch Thị Can Ga, ngụ ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải là một trong những hội viên được hỗ trợ mô hình sinh kế và cây giống để phát triển sản xuất. Nhờ vào số vốn hỗ trợ 4 triệu đồng của Hội phụ nữ, gia đình chị tích góp thêm 6 triệu đồng đề trồng hành và ớt chỉ thiên. Từ khi gieo trồng đến khi thu hoạch ớt là 2,5 tháng, dự kiến từ đây đến cuối vụ sẽ thu hoạch từ 1,5 đến 2 tấn ớt/ công, giá bán dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg. Theo ước tính, sau khi trừ các khoản chi phí phân bón, tưới tiêu và công lao động hái ớt, gia đình chị cũng thu được lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.

“Lấy ngắn – nuôi dài” vừa kết hợp nuôi cút thịt vừa nuôi vịt, nuôi heo, bà Huỳnh Thị Hoàng, ngụ khóm 3, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long vừa thoát nghèo vào cuối năm 2022. Bà đầu tư mô hình sinh kế này từ sự giúp sức của Hội LHPN tỉnh và huyện: từ số vốn 3 triệu đồng ban đầu Hội hỗ trợ, bà mua được 400 con cút giống. Với tính cần cù, chịu khó, cút được chăm sóc tốt, từ khi bắt giống đến xuất bán ra thị trường là 25 ngày; mỗi kg cút thịt thành phẩm có giá từ 60 – 70 ngàn đồng/kg. Mỗi tháng, gia đình bà thu  hơn 100 kg cút thịt.  Khi có vốn để phát triển kinh tế, bà Hoàng mạnh dạn vay thêm 10 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng chuồng trại, chăn nuôi thêm heo và vịt nhằm tăng thu nhập. 

Bà Huỳnh Thị Hoàng phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi cút thịt

Bà Đặng Thị Diễu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Càng Long cho biết: Hội phụ nữ huyện kết hợp xã có chị em đăng ký đến từng hộ để khảo sát thực tế tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh khó khăn của từng chị em cũng như nhu cầu hiện tại của hộ cần gì để có giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế phù hợp. Qua rà soát, Hội phụ nữ huyện Càng Long thống nhất mô hình “lấy ngắn  - nuôi dài”, một số chị mua bán nhỏ để chăn nuôi bò, heo, ngoài nguồn vốn  mình hỗ trợ mình còn kết hợp với ngân hàng chính sách xã hội cho chị em vay vốn để chăn nuôi thêm.

Đa dạng hóa sinh kế giúp phụ nữ phát triển - “Người có giúp người khó” vừa là mô hình học tập Bác về tinh thần tiết kiệm vừa huy động vốn nội lực từ hội viên, phụ nữ. Đây là giải pháp “trao cần câu”, giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết: Trong năm 2022, Hội LHPN tỉnh đã phát động trong cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện mô hình “Người có giúp người khó” vận động mỗi hội viên tiết kiệm mỗi ngày ít nhất 1.000đ. Kết quả đóng góp từ nguồn vận động các tổ chức cá nhân doanh nghiệp và Hội viên phụ nữ trong tỉnh gần 1 tỷ đồng hỗ trợ các chị em đầu tư giống cây trồng, vật nuôi và mua bán nhỏ, kết quả đã triển khai 46 mô hình sinh kế có 342 thành viên tham gia.

 Qua 1 năm triển khai thực hiện các cấp Hội hỗ trợ được 318 hộ thoát nghèo bền vững, trong đó chọn 10 hộ khó khăn nhất về nhà ở tạo điều kiện xây dựng Mái ấm tình thương giúp chị em ổn định cuộc sống. Kết quả đạt được là nhờ sự sâu sát của cán bộ Hội các cấp, trước khi triển khai mô hình đã khảo sát nắm rõ hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng từ đó đã đề ra giải pháp cụ thể giúp chị em thực hiện mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra còn nhờ sự quan tâm của các ngành chức năng và các đơn vị tài trợ Hội LHPN tỉnh. Các cán bộ Hội thường xuyên giám sát và kịp thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể từng mô hình giúp chị em nắm được kỹ thuật để áp dụng trong quá trình thực hiện mô hình.

Để tiếp tục phát huy tốt các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững, Hội LHPN tỉnh Trà Vinh tập trung kết nối, huy động nguồn lực; đồng hành cùng các cấp Hội nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra. Theo đó, Hội tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch chuyên đề “Hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững” đảm bảo giảm nghèo thực chất, không chạy theo thành tích. Hội tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo; có sự tham gia đóng góp tích cực của hội viên, phụ nữ, đặc biệt là sự chủ động của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc tham gia học nghề, tổ chức sản xuất, đăng ký thoát nghèo bền vững. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu “Phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030”.

Minh Thùy 

Tin khác