Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong kỷ nguyên mới
Lượt xem: 298
Sáng ngày 23/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2022 với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong kỷ nguyên mới gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn chủ trì tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, những năm qua, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Từ những cơ chế, chính sách và sự quan tâm của các cấp, ngành, khu vực kinh tế tập thể, HTX có chuyển biến tích cực về chất và lượng.

Hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó có 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp (2.255 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 2.293 HTX thương mại-dịch vụ, 1.582 HTX vận tải, 905 HTX xây dựng, 542 HTX môi trường, 1.181 quỹ tín dụng Nhân dân và 694 HTX khác).

Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX và các diễn giả đã chia sẻ về những thách thức và giải pháp thúc đẩy cơ hội chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX.

Đối với Trà Vinh, hiện nay toàn tỉnh có 170 HTX (có 124 HTX nông nghiệp, 30 HTX phi nông nghiệp, 16 Quỹ tín dụng), tổng vốn điều lệ 165,298 tỷ đồng, thu hút 28.206 thành viên; tạo việc làm ổn định khoảng 1.176 lao động.

Thực hiện chuyển đổi số thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 59/KH-UBND về phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số chiếm trên 10% GRDP của tỉnh, năng suất lao động tăng bình quân trên 11,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 30%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%. 

Hiện, một số HTX trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; một số HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, kết nối cung cầu; một số HTX tham gia thực hiện các dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương quan tâm chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới.

Sau Diễn đàn, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa những giải pháp đã được thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ phát triển HTX gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Trúc Phương