Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh
Lượt xem: 195
Nhằm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động của cộng đồng, thay đổi tư duy, tiếp cận phương thức sản xuất, kinh doanh, thụ hưởng, các  dịch vụ nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc trên không gian số, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh năm 2023.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành

Chương trình đặt ra mục tiêu là phát triển chính quyền số trong xây dựng NTM. Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 30% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 25% hồ sơ công việc cấp huyện và 20% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí xã NTM; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông và đạt chuẩn chỉ tiêu 15.2 của tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Phấn đấu 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí huyện NTM; 14% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của tiêu chí số 6 về Kinh tế và đạt chuẩn chỉ tiêu 9,2 của tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao. Phấn đấu 35% cán bộ, công chức, viên chức các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, có ít nhất 25% đơn vị cấp huyện có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 20% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, có ít nhất 15% đơn vị (huyện, xã) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa).

Phấn đấu xây dựng 1 mô hình xã/ấp nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội của địa phương đến năm 2025 (quy hoạch xây dựng, kinh tế, y tế, giáo dục, văn hoá, an ninh trật tự, du lịch nông thôn, thương mại điện tử...).

Để đạt được mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra các nhóm nội dung và giải pháp thực hiện như: tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng NTM; tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về chuyển đổi số; xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Điều phối NTM tỉnh) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình. Rà soát, lựa chọn mô hình thí điểm xã/ấp NTM thông minh, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các nội dung theo quy định. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tại các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình kịp thời.

Đồng thời, phối hợp với Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh tăng cường công tác truyền thông về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh. Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã), người dân và cộng đồng nông thôn; đồng thời tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình chuyển đổi số của các tỉnh.

Bên cạnh đó theo dõi, giám sát, tổng hợp và định kỳ báo cáo UBND tỉnh việc triển khai thực hiện kế hoạch này; đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung nếu cần thiết, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

UBMTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn, tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thông qua ứng dụng Chương trình chuyển đổi số.

Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn Trà Vinh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường vận động, hỗ trợ, tuyên truyền để người dân, cộng đồng chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số trong nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm xã/ấp NTM thông minh của huyện và hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.

Các sở, ban, ngành tỉnh khác có liên quan chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh) thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch.

Trúc Phương