Trung tá Thạch Thanh Hùng hướng dẫn anh Lý Văn Tám (áo nâu) cài đặt ứng dụng VNeID
Phát huy vai trò dân vận trong công tác bảo vệ môi trường; xây dưng đô thị văn minh, nông thôn mới nâng cao - kiểu mẫu; công tác dân vận chính quyền, cải cách hành chính, Ban Dân vận các cấp trong tỉnh chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân, tìm hiểu đời sống công nhân lao động để tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền quan tâm giải quyết. Đồng thời, tích cực đổi mới công tác dân vận theo xu hướng chuyển đổi số; nhân rộng mô hình, điển hình dân vận khéo – quy chế dân chủ ở cơ sở.
Một trong những nghị quyết quan trọng được Ban Dân vận các cấp tập trung tuyên truyền là Nghị quyết số 09 ngày 26/1/2022 về chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu và các nền tảng số phục vụ triển khai hiệu quả kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh; thực hiện mục tiêu“Phấn đấu Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030”.
Đến nay, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, Trà Vinh có nhiều chuyển biến rõ nét. Trước tiên là nhận thức về chuyển đổi số từ lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương đến người dân, doanh nghiệp đã có sự thay đổi lớn. Chất lượng cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” được nâng dần qua các năm, các quy trình bảo đảm nguyên tắc đơn giản, công khai, đúng luật, nhanh chóng.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của ngành cũng như trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính với tổ chức, cá nhân được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tập trung triển khai thực hiện.
Ngoài ra; giao dịch điện tử được triển khai trên tất cả các lĩnh vực: thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến tuyến Trung ương trên phạm vi toàn quốc.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đối số trong hoạt động kinh doanh, Trà Vinh tập trung triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bản tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Tỉnh hiện có 125 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử với 638 sản phẩm, hơn 68.000 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết: Hiện tại Sok Farm có 6 sản phẩm chính từ mật hoa dừa. Sản phẩm nước tương mật hoa dừa là sản phẩm mới ra đời vào tháng 10/2022 nhưng đã được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Các thị trường như Canada, Mỹ, Singapore đều rất thích nước tương mật hoa dừa này. Năm 2023 Sok Farm sẽ tập trung sản xuất để có những lô xuất khẩu nước tương mật hoa dừa đi Mỹ và Singapore. Còn về chiến lược quảng bá thì Sok Farm quảng bá qua kênh TikTok và Facebook vì những kênh đó mình tiếp cận được khách hàng trong nước rất là tốt, mỗi video qua kênh TikTok đều được 1 đến 2 triệu lượt xem.
Đẩy mạnh công tác dân vận trên nền tảng số, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh tập trung vận động nhân dân tham gia mô hình chợ không dùng tiền mặt. Theo ghi nhận, tại 2 chợ Nhị Long, xã Nhị Long và chợ Huyền Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, Viettel Trà Vinh đã xây dựng các điểm nạp tiền, rút tiền với gần 30 nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ tiểu thương và người dân có nhu cầu sử dụng. Có 155 tiểu thương tại 2 chợ được trang bị mã QR, kết nối với các ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền, nạp tiền, rút tiền và mua bán trực tuyến.
Tích cực thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh về việc chủ động tham gia đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, Công an huyện Tiểu Cần phối hợp với Huyện đoàn Tiểu Cần tuyên truyền, vận động nhân dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử bằng ứng dụng VNeID với phương châm “Đến từng nhà, rà từng người xác lập tài khoản định danh điện tử phục vụ nhân dân”.
Theo đó, 2 đơn vị hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng gồm các lực lượng: công an viên, đoàn viên thanh niên, ban nhân dân ấp đến từng nhà giúp người dân cài đặt định danh, kích hoạt VNeID nhằm làm sạch dữ liệu dân cư. Qua đó, đảm bảo quyền, lợi ích của công dân khi tích hợp và sử dụng các tiện ích điện tử trực tuyến; góp phần đẩy nhanh công tác cải cách hành chính và thực hiện Chính phủ số.
Trung tá Thạch Thanh Hùng, Trưởng Công an xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: Thực hiện Đề án 06 trên địa bàn xã Tân Hòa trong vòng 1 tuần lễ, đơn vị phân công lực lượng kết hợp với đoàn thanh niên cũng như là địa phương đi từng hộ gia đình vận động người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Mình hướng dẫn cho người dân thành thạo thao tác cài đặt định danh điện tử xong thì quyền lợi người dân không cần đến các cơ quan ngồi chờ để làm các thủ tục giấy tờ mà chỉ cần thao tác trên máy, sau đó mình sẽ gửi đi các cơ quan, ví dụ như gửi điến công an xã xin xác nhận thông tin nơi cư trú thì 1 ngày sau, người dân lên xã công an ký sẵn, người dân chỉ lên nhận kết quả đem về thôi chứ không chờ đợi gì nữa.
Bà Thạch Thị Chal Thi, Giám đốc công ty TNHH Trà Vinh Farm (áo trắng) trao đổi với phóng viên về các kênh bán hàng online.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đặng Thị Thu Trang, Bí thư Xã đoàn Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, thanh niên xã sẽ phát huy tinh thần xung kích, cùng lực lượng công an thực hiện tốt Đề án 06, tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc kích hoạt định danh điện tử, xây dựng dữ liệu dân cư, góp phần xây dựng chính phủ điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Sau khi hoàn thiện quy trình kích hoạt định danh cá nhân, công dân sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 có thể thay thế thẻ căn cước công dân và các loại giấy tờ, như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế. Thực hiện các giao dịch về tài chính nhanh gọn, tiết kiệm thời gian đi lại, như: thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Ngoài ra, công dân có thể tự tra cứu thông tin về nơi cư trú hiện tại, thông tin thành viên trong hộ gia đình; phản ánh, kiến nghị về tình hình an ninh, trật tự, tố giác, tin báo về tội phạm...
Hòa cùng xu thế mới, huyện Tiểu Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính năng, tiện ích của việc đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID. Phấn đấu cùng các địa phương trong tỉnh đến hết tháng 6 năm 2023 cấp 500 ngàn tài khoản định danh điện tử. Qua đó, đảm bảo quyền, lợi ích của công dân khi tích hợp và sử dụng các tiện ích điện tử trực tuyến.
Minh Thùy