Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp trên vùng đất Phi lao chết tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 2391
Đề tài “Tuyển chọn và trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp trên vùng đất Phi lao chết tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đầu tư, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ chủ trì thực hiện. Đề tài triển khai trong 05 năm, từ 2018 đến 2023 tại địa bàn xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh nhằm đánh giá khả năng thích nghi của một số loài cây lâm nghiệp trồng thay thế cây Phi lao (Casuarina equisetifolia) chết. Trên cơ sở đó xác định được 2 loài cây trồng phòng hộ thích ứng với điều kiện lập địa khu vực rừng Phi lao chết.

Ảnh: mô hình trồng thử nghiệm một số loài cây lâm nghiệp trên vùng đất Phi lao

Sau 17 tháng triển khai đến ngày 24/12/2020; Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ và TS. TS. Hoàng Văn Thơi (chủ nhiệm đề tài) đã thực hiện cơ bản hoàn thành 2/4 nội dung nghiên cứu: Nội dung 1. Khảo sát điều kiện gây trồng, thành phần và phân bố của một số loài cây thân gỗ tự nhiên và cây trồng lâm nghiệp trên vùng đất cát ven biển; Nội dung 2. Bố trí thí nghiệm ngoài hiện trường (điều kiện trồng, tiêu độc khử trùng đất, tiêu thoát nước và chăm sóc rừng).

Trên cơ sở thực hiện Nội dung 2., đề tài đã xây dựng 04 mô hình trồng thử nghiệm với tổng diện tích 05 ha thông qua việc thực hiện các thí nghiệm (1) Thí nghiệm về điều kiện trồng (trên lập địa có cây Phi lao chết >75%, cây chết 50-75%, cây chết < 50%); (2) Thí nghiệm về tiêu độc (cục bộ, theo luống, toàn diện; (3) Thí nghiệm về kiểm soát ngập nước (đào kênh thoát nước, tạo luống và đắp mố); (4) Thí nghiệm về chăm sóc sau khi trồng (vun xới gốc, bón phân, phun thuốc diệt nấm) đối với 7 loài cây được chọn trồng thử nghiệm gồm Muồng đen (Cassia siamea), Muồng kim vàng (Peltophorum sterocarpum), Tra bồ đề (Thespesia populnea), Trôm (Sterculia foetida), Keo lá tràm (Acacia auriculiformis), Me chua (Tamarindus indicus), Mù u (Calophyllum inophyllum).

Tại thời điểm kiểm tra thực tế sau khi trồng hơn 4 tháng, tùy theo đặc điểm lâm sinh học và mục đích của các thí nghiệm mà các loài cây thử nghiệm có mức độ thích ứng với điều kiện lập địa khác nhau. Trong đó các loài Muồng đen, Muồng kim vàng, Tra bồ đề, Trôm, Keo lá tràm, Me chua, Mù u có tỷ lệ sống bình quân lần lượt là 90%, 85%, 85%, 75%, 70%, 65%, 20%. Hiện tại, đề tài tiếp tục theo dõi để đánh giá khả năng thích ứng thông qua tỷ lệ sống và quá trình sinh trưởng của các loài cây trồng nói trên để lựa chọn ra 2 loài cây phù hợp nhất cho việc trồng phòng hộ để tập huấn cho cán bộ kỹ thuật và người trồng rừng để thực hiện trồng thay thế cây Phi lao chết trên những khu vực rừng phòng hộ ven biển của tỉnh.

 

Bảo Việt


Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 2150
  • Trong tuần: 18 752
  • Tất cả: 4387325