Nghiên cứu đề tài​“Nghiên cứu quy trình quản lý bệnh hiệu quả trên mô hình canh tác thanh long theo kiểu giàn chữ T (T-bar) tỉnh Trà Vinh”
Lượt xem: 2556
1.Sự cần thiết phải thực hiện đề tài Thanh long là trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thị trường xuất khẩu thanh long tăng dần qua từng năm, ngoài các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, EU, Indonesia, Thái Lan,…trái thanh long đang thâm nhập tốt vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật, New Zealand, Úc,…Tuy nhiên, việc canh tác thanh long thường bị ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu, sâu bệnh, mùa vụ...; năng suất không ổn định, sản phẩm chất lượng chưa cao, chưa thật sự đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả  kinh tế ngành hàng thanh long chưa cao và thiếu tính bền vững.

Ảnh: Hội đồng đánh giá

Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng thanh long ruột đỏ lớn thứ tư trên cả nước sau tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Hiện tại tỉnh Trà Vinh có 400 ha diện tích trồng thanh long, ngoài những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, quy hoạch vùng trồng, thì việc trồng thanh long cũng gặp nhiều khó khăn như: thời tiết thay đổi do biến đổi khí hậu, dịch bệnh, diện tích trồng nhỏ lẻ, quy trình canh tác còn mắc phải những khiếm khuyết, đầu ra không ổn định, liên kết sản xuất lỏng lẻo, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, người trồng thanh long của tỉnh Trà Vinh cũng đang gặp phải nhiều trở ngại lớn như dịch bệnh (đốm trắng, thối cành, cháy cành và thán thư), xử lý ra hoa chưa đạt hiệu quả,…dẫn đến chi phí đầu tư cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Từ những khó khăn tồn tại nêu trên chính vì thế việc thực hiện Đề tài “Nghiên cứu quy trình quản lý bệnh hiệu quả trên mô hình canh tác thanh long kiểu giàn chữ T (T-bar) tại tỉnh Trà Vinh” là hết sức cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn tồn tại cho người trồng thanh long đồng thời góp phần hướng đến một nền nông nghiệp tiên tiến và bền vững lâu dài.

2. Nội dung nghiên cứu của đề tài

Đề tài “Nghiên cứu quy trình quản lý bệnh hiệu quả trên mô hình canh tác thanh long theo kiểu giàn chữ T (T-bar) tỉnh Trà Vinh” do Viện Cây ăn quả miền Nam chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Văn Sơn làm chủ nhiệm đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ thông qua ngày 07/5/2021 với thời gian thực hiện là 36 tháng và kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Từ các nội dung nghiên cứu tác giả đặt ra gồm: (1) Điều tra và đánh giá hiện trạng sản xuất Thanh long của nông dân tại tỉnh Trà Vinh; (2) Nghiên cứu bổ sung giúp hoàn thiện kỹ thuật canh tác thanh long trồng kiểu giàn chữ T (T-bar) tại tỉnh Trà Vinh theo VietGAP; (3) Nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp quản lý hiệu quả đối với bệnh cháy dây/cành và bệnh đốm nâu trên thanh long trồng theo kiểu giàn chữ T (T-bar) tại Trà Vinh; (4) Xây dựng các mô hình quản lý hiệu quả hiện tượng ra hoa không mong muốn, cháy dây và bệnh đốm nâu trên thanh long trồng kiểu giàn chữ T (T-bar) đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hội đồng kiến nghị cần thừa kế những kết quả đã có như quy trình phòng trừ bệnh đốm nâu, ủ phân hữu cơ từ thanh long; Thiết kế lại các thí nghiệm tập trung vào 3 yêu cầu chính của đề tài (đốm nâu, cháy dây, ra hoa không mong muốn); Các thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong thí nghiệm cần chú ý hạn chế khi không thích hợp xuất khẩu, ưu tiên giải pháp sinh học trong phòng trừ đốm nâu,...

3. Sản phẩm khoa học và công nghệ chính của đề tài

Dự kiến các sản phẩm khoa học và công nghệ chính của đề tài như sau:

- Xây dựng được 04 mô hình quản lý hiện tượng ra hoa không mong muốn, cháy dây và bệnh đốm nâu trên thanh long trồng kiểu giàn chữ T đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Quy trình kỹ thuật canh tác thanh long kiểu giàn chữ T (T-bar) và kỹ thuật quản lý hiệu quả hiện tượng ra hoa không mông muốn, cháy dây và bệnh đốm nâu trên cây thanh long.

4. Hiệu quả của đề tài

Kết quả nghiên cứu của đề tài giúp người dân nâng cao được kiến thức trồng và quản lý sâu bệnh hại, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm thanh long tại địa phương giúp gắn kết tiêu thụ dễ dàng và giá cả ổn định, tăng được hiệu quả kinh tế. Từ đó làm cơ sở khoa học vững chắc để vận động và khuyến cáo người trồng thanh long ngoài mô hình tham gia và áp dụng thực hành theo trong tương lai.

 Dương Bảo Việt - Phòng Quản lý Khoa học

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 166
  • Trong tuần: 1 766
  • Tất cả: 4408867