Nghiên cứu đề tài​“Nghiên cứu phát triển nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất tại tỉnh Trà Vinh” ​
Lượt xem: 2625
1.Sự cần thiết phải thực hiện đề tài Trà Vinh là một trong những tỉnh ven biển của Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều tiềm năng cho nghề nuôi thủy sản mặn lợ phát triển. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh trong năm 2020, toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi thủy sản vùng mặn lợ là 59.200 lượt ha, trong đó nuôi tôm sú 25.000 ha, nuôi tôm thẻ chân trắng 9.000 ha. Ngoài tôm sú và tôm thẻ chân trắng, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn nuôi một số loài thủy hải sản khác như nghêu, cua biển, tôm càng xanh, cá kèo,… Tuy nhiên nghề nuôi tôm trong những năm gần đây đang gặp khá nhiều trở ngại do môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây nhiều rủi ro lớn làm cho tình hình nuôi tôm ngày càng trở nên khó khăn. Trước tình hình đó, việc lựa chọn đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường nước mặn lợ, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của nghề nuôi thủy sản của tỉnh Trà Vinh là việc làm cần thiết.

Ảnh: Cá chim vây vàng

Trong các loài cá nước mặn lợ, cá chim vây vàng (Trachinotus blochii) là loài cá có giá trị kinh tế cao, tốc độ sinh trưởng nhanh, thịt thơm ngon, ít xương và nhu cầu tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước rất lớn (giá bán 5-7 USD/kg). Trong thời gian qua, cá chim vây vàng được nuôi thử nghiệm ở một số địa phương nhưng chủ yếu nuôi lồng bè trên biển. Việc nuôi cá chim vây vàng trong ao đất chỉ bước đầu thử nghiệm ở quy mô nhỏ, thời gian nuôi ngắn. Các thí nghiệm chủ yếu nghiên cứu về mật độ nuôi, điều kiện môi trường nuôi và độ đạm trong thức ăn phù hợp cho sinh trưởng của cá. Nghiên cứu nuôi cá chim vây vàng kết hợp với cá điêu hồng trong ao đất là hướng nghiên cứu mới chưa được thực hiện ở tỉnh Trà Vinh cũng như ở các địa phương khác.

Qua đó cho thấy, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất tại tỉnh Trà Vinh là cấp thiết. Mô hình thành công sẽ phát triển nghề nuôi cá chim vây vàng tại tỉnh Trà Vinh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sẽ khai thác được tiềm năng diện tích mặt nước, đặc biệt tận dụng được các ao đất nuôi tôm kém hiệu quả, mở rộng đối tượng nuôi có giá trị kinh tế, đa dạng đối tượng cá biển phục vụ xuất khẩu và đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của nghề nuôi thủy sản tại tỉnh Trà Vinh, góp phần ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân nuôi thủy sản tại các khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh.

2. Nội dung nghiên cứu của đề tài

Với mục tiêu phát triển được các mô hình nuôi kết hợp cá chim vây vàng với cá điêu hồng thương phẩm trong ao đất bằng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, đạt hiệu quả kinh tế cao. Đề tài “Nghiên cứu phát triển nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất tại tỉnh Trà Vinh” do Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Thị Kim Vân làm chủ nhiệm đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ thông qua ngày 21/5/2021, thời gian thực hiện là 24 tháng và kinh phí trên 2 tỷ đồng. Các nội dung nghiên cứu đặt ra như sau:

- Nội dung 1. Đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, môi trường nuôi thuỷ sản tại huyện Trà Cú và Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

- Nội dung 2. Nghiên cứu kỹ thuật ương giống cá chim vây vàng trong ao đất.

- Nội dung 3. Nghiên cứu kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chim vây vàng kết hợp với cá điêu hồng.

- Nội dung 4. Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá chim vây vàng kết hợp với cá điêu hồng.

3. Sản phẩm khoa học và công nghệ chính của đề tài

Dự kiến các sản phẩm khoa học và công nghệ chính của đề tài như sau:

- Mô hình thực nghiệm nuôi cá chim vây vàng và cá điêu hồng kết hợp.

- Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chim vây vàng kết hợp với cá điêu hồng trong ao đất tại tỉnh Trà Vinh.

- Báo cáo biến động môi trường nước ao đất nuôi và biện pháp phòng trị bệnh cá chim vây vàng và cá điêu hồng nuôi kết hợp.

- Báo cáo mô hình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng kết hợp với cá điêu hồng đạt hiệu quả kinh tế.

- Báo cáo khoa học tổng kết đề tài.

- Bài báo khoa học.

- Tập huấn và tham quan thực tế cho người dân.

4. Hiệu quả của đề tài

Kết quả nghiên cứu của đề tài là mô hình thực nghiệm nuôi cá chim vây vàng và cá điêu hồng kết hợp để cán bộ kỹ thuật và người nuôi tham quan học tập, quy trình kỹ thuật nuôi cá chim vây vàng kết hợp với cá điêu hồng chuyển giao cho địa phương. Đồng thời là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về nuôi cá chim vây vàng thương phẩm trong ao đất, trong lồng bè nói riêng và nuôi kết hợp với các đối tượng thủy sản khác nói chung. Đây cũng là cơ sở khoa học để các Sở, ngành chức năng xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho quy trình nuôi thương phẩm cá chim vây vàng kết hợp với cá điêu hồng trong ao đất.

 Dương Bảo Việt - Phòng Quản lý Khoa học



Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 88
  • Trong tuần: 1 692
  • Tất cả: 4408979