Định hướng nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng trên địa bàn tỉnh trà vinh
Lượt xem: 4160
Với vị trí tiếp giáp sông Tiền, sông Hậu và biển Đông; ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh có thế mạnh phát triển trong sản xuất lúa, trái cây, hoa kiểng, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, chăn nuôi gia súc gia cầm,… Năm 2020, sản lượng lúa của tỉnh 934.134 tấn, trái cây 280.770 tấn, thủy sản nuôi trồng các loại 153.212 tấn, đàn gia súc (heo, bò, dê) 425.969 con, đàn gia cầm 8,457 triệu con,… (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, 2021). 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ và giải pháp được giao tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI như: “Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ. Xây dựng cơ chế thông thoáng, minh bạch, công bằng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo phát triển. Tăng cường hoạt động sở hữu trí tuệ, quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thanh, kiểm tra công tác khoa học và công nghệ”. Trên cơ sở đó, việc nghiên cứu chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực giống dự kiến triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới nhằm đóng góp nhiều hơn cho việc chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, con nuôi thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và điều kiện tại tỉnh Trà Vinh; đảm bảo cung cấp nhiều loại giống có chất lượng, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao.

1. Thực trạng nghiên cứu và ứng dụng giống thời gian qua

Trong 10 năm qua, có trên 25 nhiệm vụ KH&CN đã và đang được thực hiện liên quan trực tiếp đến công tác giống (trồng trọt chiếm 44%, chăn nuôi chiếm 16%, thủy sản chiếm 40%). Trong nghiên cứu đã tập trung cải thiện các giống đã có, các giống đặc sản, giống có năng suất, chất lượng cao để chủ động nguồn cây, con giống phục vụ sản xuất. Quan tâm phát triển các giống tiềm năng, có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương. Đánh giá khả năng thích nghi các đối tượng giống mới có giá trị kinh tế nhằm phục vụ tái cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Các nhiệm vụ đã thực hiện 8 lớp đào tạo chuyên sâu cho 66 kỹ thuật viên tạo thành nguồn nhân lực để phát triển sản xuất giống cho địa phương; tổ chức 42 lớp tập huấn cho hơn 1.500 lượt người dân, công nhân ở cơ sở sản xuất giống, cán bộ quản lý nắm vững quy trình công nghệ sản xuất giống và kỹ thuật canh tác; tổ chức 12 cuộc hội thảo với gần 500 người tham dự nhằm đánh giá quá trình thực hiện trên từng đối tượng, từng vùng sản xuất.

1.1. Đối với giống cây trồng

Đã nghiên cứu chọn lọc giống lúa đặc sản Nàng Quớt Đỏ cho tỉnh, thông qua thu thập mẫu và đánh giá đa dạng di truyền và tiến hành phục tráng đạt tiêu chuẩn tương đương siêu nguyên chủng, mô hình sản xuất lúa phục tráng trên diện tích 01 ha đã cho thấy năng suất cao hơn đối chứng 13,5%, 100 kg giống lúa Nàng Quớt Đỏ đạt tiêu chuẩn giống gốc đã được bàn giao cho Trung tâm Giống để phục vụ sản xuất. Giống đậu phộng Vồ (Arachis hypogaea)  cũng được phục tráng thành công, đạt năng suất 06 tấn/ha, có độ thuần 99,5% và 200 kg giống được bàn giao cho Trung tâm Giống để cung cấp cho người dân sản xuất. Nhiều giống đậu phộng có đặc tính tốt cũng đang được nghiên cứu đánh giá thích nghi (Hatri01, LDH 09, LDH 12), kết quả bước đầu cho thấy năng suất trung bình của giống LDH12 là 7,9 tấn/ha, LDH09 là 7,2 tấn/ha, Hatri01 là 5,2 tấn/ha. Bên cạnh đó nhằm phát triển giống mía mới có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Trà Vinh, kết quả đã đánh giá được 02 giống (Uthong 1 và Suphaburi 50) có năng suất và chất lượng tốt nhất (giống Uthong trung bình có chữ đường 12, năng suất quy 10 CCS là  149,74 tấn/ha, giống Suphaburi 50 trung bình có chữ đường  13,3, năng suất quy 10 CCS là 165,05 tấn/ha), sản phẩm 04 tấn mía giống đã được bàn giao cho Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh phối hợp với người dân triển khai vào sản xuất. Đã xây dựng mô hình nhân giống tại Trung tâm Giống với nhà lưới 900 m2 để sản xuất 100.000 cây giống cam sành không hạt và thực hiện mô hình trồng tại các huyện Cầu Kè và Châu Thành với diện tích 20 ha gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đã hỗ trợ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN xây dựng nhà lưới 500 m2 để sản xuất 1.500 cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi và thực hiện mô hình trồng 6 ha tại huyện Cầu Kè.

Kết quả phát triển giống trên một số cây trồng khác: Đã thực hiện tuyển chọn 03 cá thể quýt đường ưu tú, được chứng nhận Cây quýt Đường đầu dòng (năng suất cao từ 99,33 - 101,67 kg/cây/năm, khối lượng trái ≥ 140g, số hạt/trái ≤ 10 hạt, độ brix ≥ 10%, tỷ lệ nước trái ≥ 40%,…). Từ đó, đã vi ghép tạo 06 cây quýt đường S0, nhân giống 30 cây S1 sạch bệnh và 600 cây S2 chuyển giao cho nông dân trồng ngoài đồng để đánh giá, các cây S0 và S1 đã được bàn giao cho Trung tâm Giống. Thực hiện mô hình chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong việc nhân giống và canh tác một số loại hoa (hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa chuông và dạ yến thảo) tại thành phố Trà Vinh, đã đưa 5 giống hoa đồng tiền, 5 giống hoa chuông và 5 giống dạ yến thảo phục vụ phát triển sản xuất cùng với quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến đã nâng tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với sản xuất truyền thống từ 0,86-1,59. Kỹ thuật nhân giống các loại hoa đã được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN tiếp nhận và hàng năm có thể sản xuất đạt 10.000 - 20.000 cây giống cấy mô để cung cấp cho người trồng hoa. Việc ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong nhân giống và xây dựng mô hình trồng cây Đinh lăng lá nhỏ (Polyscias fruticosa L. Harms) đã được thực hiện tại tỉnh, quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô cây Đinh lăng lá nhỏ giúp cây nuôi cấy mô có tỷ lệ sống 75,4% cao hơn so với cây giâm cành (55,9%) và chỉ tiêu sinh trưởng (chiều cao cây, trọng lượng rễ) của cây cấy mô cao hơn so với cây giâm cành. Quy trình đã được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN tiếp nhận, ứng dụng để sản xuất cây giống. Đồng thời, Công ty TNHH MTV TM - SX Phú Quới đã phát triển mô hình trồng đinh lăng lá nhỏ và tạo được sản phẩm thương mại (trà túi lọc đinh lăng, trà túi lọc đinh lăng kết hợp nhãn lồng,…) cung cấp cho thị trường. Quy trình canh tác một số giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp đang được thực hiện nghiên cứu tại huyện Trà Cú, dự kiến sẽ chọn được 5 giống dự tuyển/nhóm loài, thực hiện nhân giống và xây dựng được quy trình trồng tre, trúc, tầm vông phù hợp với điều kiện của địa phương,…

1.2. Đối với giống vật nuôi

Trong thời gian qua, vật nuôi chủ lực được quan tâm nghiên cứu tập trung cho 02 đối tượng (bò, dê) với các kết quả triển khai: Đã thực hiện mô hình lai tạo và nuôi dưỡng bò lai hướng thịt tại huyện Trà Cú (giữa bò lai Zebu và các giống Red Angus, Red Brahman, Droughtmaster), kết quả tạo được hơn 150 con bê lai F1, kết quả đánh giá cho thấy đàn bê lai có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện địa phương (tốc độ sinh trưởng cao hơn bò lai Zebu, đạt khối lượng lúc 12 tháng tuổi 240 - 254 kg đối với F1 Red Angus; 232 - 244 kg đối với F1 Droughtmaster và 186 -197 kg đối với F1 Red Brahman, tăng trọng bình quân khoảng 500 g/ngày). Đã hỗ trợ cho người dân xây dựng mô hình nuôi bò giống (80 bò cái giống Brahman và 320 bò cái giống lai Zebu) tại huyện Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Đồng thời, tại các hộ dân tham gia mô hình nuôi bò giống đã tiếp tục thực hiện xây dựng mô hình nuôi bò lai hướng thịt, tạo được khoảng 400 con bò lai F1 giữa các giống bò thịt Charolais, Red Angus và Red Brahman với bò cái nền Brahman và bò cái lai Zebu. Các con lai F1 từ những nhiệm vụ này đã được tiếp tục nghiên cứu về khả năng sinh sản bằng cách sử dụng liệu pháp kết hợp hormone để xử lý tình trạng chậm động dục và giải pháp can thiệp sản khoa. Đã chuyển giao giống dê Boer đực, dê Bách Thảo cái thuần, các quy trình kỹ thuật chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện của tỉnh Trà Vinh để xây dựng 01 mô hình chăn nuôi dê lai Boer x Bách Thảo dê tại 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải, với 19 hộ tham gia và 01 trại dê tại Trường Đại học Trà Vinh. Mô hình chăn nuôi hiện nay đã tạo ra được hơn 500 con dê lai (khoảng 50% là dê đực) đang được nuôi dưỡng và đánh giá hiệu quả kinh tế.

1.3. Đối với giống thủy sản

Tập trung vào nghiên cứu sản xuất giống đối với 03 đối tượng được nuôi trồng quy mô lớn là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh: Đã nghiên cứu xây dựng được quy trình sản xuất giống tôm sú (Penaeus monodon) chất lượng cao đạt tỷ lệ sống từ Nauplius đến PL15 là 40,23 - 50,87%; chất lượng con giống đạt yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn TCVN 8398:2012, kiểm tra PCR không phát hiện các bệnh WSSV, TSV, YHD, IHHNV và MBV, từ đó triển khai cho 03 trại giống tại huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải với quy mô sản xuất trên 30 triệu con giống/trại/năm. Nghiên cứu tạo ra nguồn tôm sú (Penaeus monodon) bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Trà Vinh; đã tạo ra 506 con tôm sú bố mẹ sạch bệnh (tôm cái > 150 g/con và tôm đực >100 g/con) với sức sinh sản 340.000 - 443.530 ấu trùng/tôm cái/lần đẻ. Tỷ lệ sống từ giai đoạn tôm post 0,02 g đến giai đoạn tôm bố mẹ thành thục là 61,95%. Tỷ lệ thành thục: 60%. Từ đó, đã xây dựng Quy trình công nghệ sản xuất tôm sú bố mẹ thành thục trong điều kiện an toàn sinh học: Tỷ lệ sống > 20%; Tỷ lệ thành thục: > 50%; Sức sinh sản: 400.000 ấu trùng/tôm cái/lần đẻ đã nghiệm thu cơ sở đạt yêu cầu. Với đối tượng tôm thẻ chân trắng (Litopenaneus vanamei), đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhân tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chất lượng tôm giống đạt tiêu chuẩn quốc gia, tỷ lệ sống trong ương nuôi ấu trùng tôm thẻ chân trắng từ Nauplius đến Postlarvae 15 dao động từ 44,70 – 55,80%. Quy trình sản xuất giống tôm thẻ chân trắng được chuyển giao cho trại tôm giống Thới Bến tại thị xã Duyên Hải sản xuất giống cung cấp cho người nuôi với số lượng 200 - 300 triệu post/năm. Công nghệ vi phẫu để sản xuất giống tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii) toàn đực đã được triển khai ứng dụng đã giúp địa phương tiếp nhận và nắm vững công nghệ vi phẫu loại bỏ tuyến sinh dục đực, tạo đàn tôm cái giả phục vụ sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực, trong phạm vi dự án đã sản xuất hơn 8.000 con tôm cái giả và hơn 3.000.000 con tôm giống toàn đực để phục vụ nhu cầu con giống của người dân. Công nghệ này được Trung tâm Giống, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN tiếp tục duy trì để sản xuất con giống cung cấp hàng năm cho người dân nuôi thả.

Các đối tượng thủy sản chủ lực khác cũng được quan tâm đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sản xuất giống: Đã thực hiện hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi vỗ và sản xuất giống cá lóc (Channa striata) phù hợp với điều kiện tại địa phương, đạt tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống đạt mức 45%, chất lượng con giống khá tốt và có giá thành thấp. Trên đối tượng nghêu (Meretrix lyrata), đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất nghêu cám trên ao đất lót bạt không mái che, đạt tỷ lệ sống đến nghêu 2 triệu con/kg là trên 10% và quy trình ương nghêu cám lên nghêu giống (5.000-10.000 con/kg), đạt tỷ lệ sống từ nghêu cám lên nghêu giống từ 60-70%. Xây dựng được quy trình sản xuất giống cua biển (Scylla paramamosain), với kỹ thuật nuôi vỗ cua mẹ trong xô nhựa đạt tỷ lệ sống cua mẹ ôm trứng và nở tốt đạt 62,86% và kỹ thuật ương ấu trùng cua biển theo hình thức san thưa đạt tỷ lệ sống đến cua 1 đạt 14,67%. Phát triển một số giống thủy sản khác có giá trị kinh tế (lươn đồng, cá tra, tôm đất): Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng Monopterus albus (Zuiew, 1793) đã xây dựng được 03 quy trình kỹ thuật (quy trình sản xuất giống lươn đồng, quy trình nuôi thương phẩm lươn đồng ở vùng nước ngọt, quy trình nuôi thương phẩm lươn đồng ở vùng nước lợ) đạt yêu cầu về chất lượng. Hiện nay, địa phương tiếp tục phát triển nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất lươn giống đạt tỷ lệ sống đến cỡ giống 3g/con  ≥ 70%, công suất đạt 50.000 con giống/mô hình; Mô hình trại sản xuất giống cá tra (Pangasius hypophthalmus) theo tiêu chuẩn Global Gap trong khuôn khổ dự án thuộc chương trình NTMN đã hỗ trợ chuyển giao quy trình sản xuất, kết quả có 03 trại sản xuất giống được Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) kiểm tra đánh giá và chứng nhận Global Gap; Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất giống tôm đất (Metapenaeus ensis De Haan 1844) đang được thực hiên, với nguồn bố mẹ tự nhiên trong tại tỉnh, hiện nay đã cho tôm bố mẹ giao vỹ thành công, đánh giá được các chỉ tiêu tỷ lệ thành thục ≥ 80%, tỷ lệ đẻ ≥ 60% và tỷ lệ sống của ấu trùng ≥ 30%, dự kiến quy trình sản xuất sẽ được chuyển giao cho 02 trại giống ở địa phương tiếp nhận công nghệ sản xuất giống tôm đất nhằm chủ động nguồn con giống cho địa phương.

2. Định hướng nghiên cứu, chuyển giao trong lĩnh vực giống thời gian tới

Phát huy các thành quả đã đạt được, trong thời gian tới các nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở ứng dụng công nghệ sinh học và các công nghệ tiên tiến khác để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao về giống cây trồng, vật nuôi, con nuôi thủy sản nhằm góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và có sức cạnh tranh cao dự kiến cần được triển khai theo các định hướng như sau:

2.1. Đối với giống cây trồng:

- Giống lúa: Điều tra, chọn lọc và bảo tồn 2 - 3 giống lúa có nguồn gen quý, mang tính đặc trưng, có năng suất cao và ổn định. Nghiên cứu, đánh giá, chọn lọc và tạo ra được 2 - 3 giống lúa có khả năng chịu hạn, mặn, có năng suất chất lượng cao và ổn định nhằm ứng phó với tình trạng thiếu nước ngọt. Tiếp tục sử dụng các giống chất lượng cao hiện đã và đang được tỉnh khuyến cáo sản xuất với diện tích gieo trồng từ 70% trở lên như OM 5451, OM 18, OM 4900, Đài Thơm 8; ST5, ST24, ST25,... có kế hoạch sử dụng giống cấp xác nhận tỷ lệ lên khoảng 90%.

- Giống rau màu: Phục tráng các giống rau đặc sản có giá trị sử dụng cao. Ưu tiên phát triển các loại rau (rau ăn lá, rau ăn trái, rau ăn củ - quả, măng tây) có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo và cung ứng giống rau màu mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường. Hàng năm đưa vào sản xuất 2-3 giống rau màu mới chất lượng cao (dưa hấu, dưa lê, đậu phộng,…), đẩy mạnh việc sử dụng cây giống ươm sẵn, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.

- Giống hoa kiểng và cây dược liệu: Sưu tập, bảo tồn các giống hoa kiểng bản địa, làm nguyên liệu nghiên cứu, chọn tạo giống hoa mới, trong đó có giống hoa giấy mới từ nguồn giống địa phương. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, chiết ghép trong sản xuất cây giống hoa kiểng, giúp đảm bảo đồng đều về năng suất, chất lượng phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của tỉnh. Nhập nội, thuần hóa, đưa vào sản xuất hàng năm trung bình 3 - 4 giống hoa kiểng mới phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong ngoài nước và xuất khẩu. Nghiên cứu hoàn thiện 5 - 7 quy trình nhân giống in vitro một số giống hoa kiểng có triển vọng phát triển. Tiếp tục mở rộng nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử trong công tác giống và công nghệ mới trong phát triển cây dược liệu. Nghiên cứu và hoàn thiện 5 - 6 quy trình nhân giống cây dược liệu có giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và bảo quản chế biến, chiết xuất hợp chất thứ cấp; đồng thời đẩy mạnh công tác cung cấp cây giống, chuyển giao công nghệ cho vùng sản xuất cây dược liệu của tỉnh.

 - Giống cây lâm nghiệp: Ứng dụng công nghệ cấy mô, giâm hom để sản xuất khoảng 400 ngàn cây giống/năm, trong đó trên 200.000 cây giống lâm nghiệp có giá trị, chất lượng cao (Gõ đỏ, Cẩm lai, Dáng hương, Dầu con rái, Sao đen, Tràm bông vàng,…). Nghiên cứu bổ sung 6 - 8 chủng loại cây xanh phù hợp với cảnh quan đô thị để thử nghiệm trồng mới. Hình thành hệ thống vườn ươm, doanh nghiệp thực hiện sản xuất cây giống lâm nghiệp, cung cấp hom giống của một số loài cây lâm nghiệp chủ yếu phục vụ cho Kế hoạch Trồng rừng, trồng cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

2.2. Đối với giống vật nuôi:                      

Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tế bào, công nghệ sinh sản nhằm tăng hiệu quả sinh sản, cải thiện di truyền, sản xuất con giống đối với bò thịt, heo thịt, dê thịt. Nghiên cứu chọn tạo một số giống vật nuôi, đặc biệt là bò theo hướng nâng cao chất lượng thịt. Nhập khẩu đưa các dòng tinh cao sản bò thịt, heo thịt, dê thịt có năng suất, chất lượng cao từ các nước có nền chăn nuôi tiên tiến nhằm hình thành các đàn giống có tổ hợp lai, dòng mới có 3 - 4 máu.

- Bò thịt: Phát triển đàn bò thịt đến năm 2025 khoảng 250.000 con, cung cấp cho thị trường 16.000 tấn thịt bò hơi, 40.000 bò cái giống. Trong đó sử dụng tinh các loại bò Brahman, Charolais, Limousine, BBB, Wagyu,… để lai, cải tạo nâng cao chất lượng, tầm vóc bò địa phương. Hình thành chuỗi liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu giống bò thịt Trà Vinh.

- Heo thịt: Phấn đấu phát triển đàn heo đến năm 2025 khoảng 400.000 con, trong đó đàn nái sinh sản chiếm 20% tổng đàn; cải tiến nâng cao chất lượng con giống bằng các giống Yorkshire, Landrace, Duroc và heo lai nhiều nhóm máu,… Phấn đấu 100% các cơ sở giống được quản lý dữ liệu; trên 90% các cơ sở sản xuất giống heo trên địa bàn tỉnh được chứng nhận con giống theo các tiêu chuẩn hiện hành, 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được chứng nhận con giống thuần.

- Dê thịt: Sử dụng tinh các loại dê Bách Thảo, Boer,… để lai, cải tạo nâng cao chất lượng, tầm vóc đàn dê thịt địa phương. Phấn đấu đến năm 2025 đàn dê đạt 23.000 con và sản lượng dê thịt 300 tấn.

2.3. Đối với giống thủy sản:

- Giống thủy sản nước ngọt: Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ tạo giống bố mẹ và kỹ thuật nhân giống để sản xuất giống thủy sản nước ngọt chất lượng cao (cá tra, cá lóc, cá điêu hồng, cá rô phi đơn tính dòng Gift, lươn đồng, tôm càng xanh...); giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chạch lấu... Tổng số lượng sản xuất giống đạt khoảng 1 - 1,2 tỷ con/năm. Trong đó cá tra khoảng 80 triệu, cá lóc 500 - 600 triệu, tôm càng xanh toàn đực là 300 triệu Portlarve, giống thủy sản nước ngọt khác 300 triệu con.

- Giống thủy sản nước mặn lợ: Nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến nhằm sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng khoảng 5 - 6 tỷ con/năm; cua biển 1,5 - 2 tỷ con/năm; giống nhuyễn thể (nghêu, sò huyết,...) sản xuất 10 - 15 tỷ con/năm; giống thủy sản nước mặn lợ khác 300 - 400 triệu con/năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, 2020. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh, 2021. Báo cáo xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Trà Vinh, 2021. Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021.                                                

                                              ThS. Dương Bảo Việt - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh


Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 164
  • Trong tuần: 1 764
  • Tất cả: 4408865