Nghiên cứu kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách đối với người Khmer và những vấn đề đặt ra
Lượt xem: 1921
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào, phát triển vùng DTTS và miền núi. Bên cạnh hệ thống chính sách chung đối với đồng bào các DTTS, nhiều chính sách được ban hành riêng cho một số DTTS dựa trên đặc điểm tâm lý tộc người, điều kiện và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc đó, trong từng giai đoạn cụ thể.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Khmer có dân số 1.260.640 người (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009), cư trú chủ yếu ở các tỉnh Tây Nam Bộ, trong đó tập trung sinh sống khá đông ở các tỉnh đồng bằng ven biển như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, miền núi biên giới như Kiên Giang, An Giang… Đồng hành cùng với cộng đồng người Khmer, gần 2000 năm tồn tại và phát triển, Phật giáo Nam tông đã trở thành một thành tố quan trọng nhất tạo nên đặc trưng văn hóa và tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội của đồng bào. Đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đời sống không ổn định, phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, phần đông trình độ học vấn còn thấp... Lợi dụng điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào còn nhiều khó khăn, lợi dụng đức tin của đồng bào đối với nhà chùa và các chư tăng, các thế lực thù địch bên ngoài cấu kết với các phần tử phản động trong nước đã tìm cách lôi kéo, dụ dỗ một số chư tăng có những hành vi đi ngược với giáo lý nhà phật. Trong những năm đó, ở một số nơi đã xảy ra các vụ tập trung đông người, gây rối theo sự chỉ đạo kích động của các phần tử phản động Khmer Campuchia Krôm (KKK) bên ngoài.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các địa phương trong vùng đã tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị và an toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào, của chư tăng Khmer đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý có hiệu quả của Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn nhiều hạn chế như: Tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng cách xa, tỷ lệ hộ Khmer nghèo vẫn ở mức cao, hiện tượng tái nghèo, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm ổn định, cùng những vấn đề bức xúc về an sinh xã hội, giáo dục, y tế... Đặc biệt, đây là nơi mặt bằng dân trí của đồng bào Khmer thấp so với mức bình quân trong khu vực; tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ học sinh bỏ học cao; mạng luới trường lớp còn nhiều bất cập. Những tồn tại đó, đã và đang tạo ra những yếu tố tiềm ẩn gây bất ổn về chính trị - xã hội. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những khó khăn này để kích động, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn. Xuất phát từ các lý do nêu trên, việc nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách đối với người Khmer và những vấn đề đặt ra” do Cơ quan chủ trì Học viện Dân tộc cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài CN. Sơn Minh Thắng để thực hiện.

Qua thực hiện đề tài “Nghiên cứu kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách đối với đồng bào Khmer và những vấn đề đặt ra”, chúng tôi nhận thấy rõ những vấn đề cơ bản sau đây:

1. Đồng bào Khmer ở Việt Nam có dân số 1.260.640 người (theo Tổng điều tra dân số năm 2009), cư trú chủ yếu ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Từ nhiều đời nay, đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các địa phương trong vùng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được một số kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị và an toàn xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách ở vùng dân tộc Khmer vẫn còn những hạn chế, như: tỷ lệ hộ Khmer nghèo vẫn ở mức cao, mặt bằng dân trí trong vùng Khmer thấp so với mức bình quân trong khu vực… Hiện tượng tái nghèo, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm ổn định, cùng những vấn đề bức xúc về an sinh xã hội, giáo dục, y tế... vẫn còn xảy ra. Các thế lực thù địch đã lợi dụng những khó khăn này để kích động, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây những tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự trong vùng. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu kết quả thực hiện một số chủ trương, chính sách đối với người Khmer và những vấn đề đặt ra” là rất cần thiết. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp những luận cứ cơ bản giúp Đảng, Nhà nước và Ủy ban Dân tộc chỉ đạo tốt công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, trong thời gian tới.

2. Sau 30 năm đổi mới đất nước (kể từ năm 1986 đến nay), đặc biệt là từ khi có Chỉ thị số 68/1991-CT/TW của Ban Bí thư (khóa VI) về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức thực hiện và đi vào cuộc sống. Trong đó, đặc biệt nổi bật là các nhóm chính sách về xóa đói, giảm nghèo; chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề; chính sách về phát triển nguồn nhân lực; chính sách về xây dựng hệ thống chính trị ở cở; chính sách an ninh, quốc phòng, môi trường… Các địa phương - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, căn cứ vào điều kiện thực tế cũng có những chủ trương, chính sách riêng nhằm hỗ trợ đồng bào phát triển. Các chủ trương, chính sách này đi vào cuộc sống, hợp với nhu cầu và nguyện vọng của đồng bào đã đem lại những đổi thay đáng kể cho vùng đồng bào. Từ năm 1991 đến năm 2000, hệ thống chính sách chủ yếu tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng; xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Từ năm 2001 đến nay, hệ thống chính sách bao trùm mọi lĩnh vực, trong đó tập trung nhiều cho những lĩnh vực cấp thiết của đồng bào như: xóa đói giảm nghèo đa chiều, giải quyết đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc và bảo tồn bản sắc văn hóa… nhằm phát triển toàn diện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Đặc biệt, trong giai đoạn này còn có các chính sách dành riêng cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long- địa bàn cư trú chủ yếu của người Khmer (Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL giai đoạn 2013 - 2015); Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg về tiêu chí xác định thôn bản ĐBKK, xã thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020, có nội dung ưu tiên giảm chuẩn khi công nhận xã khu vực III cho vùng đồng bằng SCL… Các chính sách này đã tạo những chuyển biến tích cực về mọi mặt cho đồng bào dân tộc Khmer. Nhưng bên cạnh đó, khi thực hiện chính sách vẫn còn những bất cập, hạn chế. Muốn giải quyết được những khó khăn, hạn chế đó, trong thời gian tới khi xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách cho đồng bào Khmer, cần đặc biệt quan tâm tới 4 vấn đề: (1). Vùng đồng bào Khmer vẫn là một trong các vùng nghèo, đói nhất trong cả nước. (2) Vùng đồng bào Khmer là vùng trũng về giáo dục so với cả nước. (3) Sự biến đổi tôn giáo trong đồng bào Khmer và những mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn, hôn nhân xuyên biên giới. (4) Sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu đối với vùng Tây Nam bộ.

Trên cơ sở phân tích quan điểm, định hướng về đổi mới, hoàn thiện chủ trương chính sách đối với đồng bào Khmer, đề tài đề xuất 2 nhóm giải pháp: (1). Giải pháp đối với nhóm chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. (2). Giải pháp đối với nhóm chính sách đặc thù dành cho đồng bào Khmer. Các nhóm giải pháp đều xác định rõ mục tiêu, đối tượng thực hiện, nội dung và những biện pháp thực hiện cụ thể. Trong hệ thống giải pháp, kiến nghị, cùng với việc xác định rõ trách nhiệm cho từng cấp chính quyền của hệ thống chính trị trong việc giúp đồng bào Khmer vươn lên phát triển kinh tếxã hội, giảm dần khoảng cách phát triển giữa dân tộc Khmer với các dân tộc khác trong khu vực Tây Nam bộ là việc tạo điều kiện cho đồng bào Khmer giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16303/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Nguồn: https://www.vista.gov.vn/


Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 43
  • Trong tuần: 1 799
  • Tất cả: 4408656