Đánh giá định lượng cho nông nghiệp bền vững
Lượt xem: 3117
Các nhà khoa học tại Đại học Maryland (Mỹ) đã tìm ra và tổng hợp một phương thức đánh giá định lượng về tính bền vững của nông nghiệp thông qua Ma trận Nông nghiệp Bền vững (gọi tắt là SAM) cho các quốc gia trên thế giới không chỉ dựa trên tác động môi trường mà còn cả tác động kinh tế và xã hội. SAM cung cấp các phép đo độc lập và minh bạch về tính bền vững của nông nghiệp ở cấp quốc gia, có thể giúp các chính phủ và tổ chức đánh giá tiến độ, xác định các nhiệm vục ưu tiên để cải thiện, đồng thời cung cấp các chính sách và hành động quốc gia hướng tới nông nghiệp bền vững trên toàn cầu.

Hình minh họa. Ma trận Nông nghiệp Bền vững (SAM)

Bà Xin Zhang, Trung tâm Khoa học Môi trường - Đại học Maryland cho biết: SAM là một nỗ lực nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các cam kết của các quốc gia đối với nền nông nghiệp bền vững. Chúng tôi hy vọng đây có thể là một công cụ để gắn kết các bên liên quan lại với nhau. Sản xuất nông nghiệp không chỉ là của nông dân. Nó là của tất cả mọi người.

Nông nghiệp là nền tảng của sự bền vững. Tuy nhiên, định nghĩa về “nông nghiệp bền vững” và khả năng đo lường nó rất khó định lượng. Dự án tạo ra Ma trận Nông nghiệp Bền vững bắt đầu vào năm 2017 bằng cách quy tụ khoảng 30 bên liên quan và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới - bao gồm Oxfam, Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế, Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế - Nông nghiệp và Thực phẩm của Liên hợp quốc, Đại học College London, Đại học Queensland, Đại học California Berkeley và Trung tâm Khoa học Môi trường của Đại học Maryland, … - để đánh giá tác động của sản xuất nông nghiệp trên quy mô quốc gia xung quanh một loạt các tác động môi trường, các khía cạnh kinh tế và xã hội của tính bền vững.

Bà Xin Zhang cho biết thêm: Nông nghiệp bền vững là một khái niệm rất phức tạp và nó có những ý nghĩa khác nhau đối với những người khác nhau, nên rất khó để đánh giá. Để thực hiện cam kết về nông nghiệp bền vững có trách nhiệm giải trình, các phép đo độc lập và minh bạch về tính bền vững của các quốc gia là điều cần thiết.

Bà Kimberly Pfeifer, Oxfam Mỹ cho biết: Việc đánh giá tính bền vững không hề dễ dàng, đặc biệt là do sự khan hiếm dữ liệu xã hội ở tất cả các quốc gia. Chúng tôi hy vọng với ma trận này, chúng tôi có thể chứng minh giá trị của việc đầu tư nhiều hơn vào dữ liệu xã hội để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nông nghiệp và đóng góp vào công bằng xã hội như một khía cạnh quan trọng.

Trên toàn cầu, nông nghiệp phải đối mặt với thách thức tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số về lương thực, nguyên liệu và năng lượng. Các quốc gia có nhiệm vụ phát triển một ngành nông nghiệp bền vững không chỉ có năng suất mà còn phải đầy đủ dinh dưỡng, tương thích với sức khỏe hệ sinh thái và đa dạng sinh học, có khả năng phục hồi. Do đó, nông nghiệp bền vững đã được đưa vào các mục tiêu phát triển bền vững được tất cả các nước thành viên của Liên hợp quốc phê chuẩn vào năm 2015.

Mô hình đầu tiên của ma trận bao gồm 18 chỉ số đo lường tác động trực tiếp của sản xuất nông nghiệp đối với môi trường và kinh tế và tác động rộng hơn đến toàn xã hội, thừa nhận rằng nông nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành khác. Điểm nhấn trong mô hình đầu tiên này là xác định sự cân bằng giữa các chỉ số hoạt động, chẳng hạn như giữa hiệu quả kinh tế được cải thiện và hiệu suất môi trường giảm.

Ông Eric Davidson, Trung tâm Khoa học Môi trường - Đại học Maryland cho biết: Chưa có những nỗ lực cung cấp cái nhìn toàn diện về cả ba khía cạnh của tác động nông nghiệp đối với các quốc gia trên thế giới. Khái niệm cơ bản của SAM là sự thừa nhận rằng hệ thống nông nghiệp có thể có nhiều tác động đến tính bền vững. Ví dụ, trong khi sản xuất nông nghiệp có thể mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng nông dân và phát triển kinh tế quốc gia, điều đó cũng có thể gây thêm căng thẳng cho môi trường về sử dụng nước, ô nhiễm chất dinh dưỡng và mất đa dạng sinh học. Làm thế nào và nếu ngành nông nghiệp quốc gia cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất cho người dân của mình có thể ảnh hưởng đến bình đẳng xã hội như thế nào.

Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là một dự án do Diễn đàn Belmont tài trợ, sẽ khởi động với sáu quốc gia và khu vực thí điểm, bao gồm Mỹ, Áo, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Châu Phi gần Sahara. Liên minh sẽ sử dụng mô hình đầu tiên của các chỉ số SAM để phối hợp giữa các bên liên quan, đồng thời hợp tác phát triển các trường hợp ở mỗi quốc gia để xác định các chiến lược hướng tới nông nghiệp bền vững.

 “Đây là điểm khởi đầu hữu ích để không chỉ đánh giá tiến độ mà còn xác định các ưu tiên cải tiến, cung cấp thông tin cho các chính sách và hành động quốc gia hướng tới nông nghiệp bền vững”, Christian Folberth, Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế cho biết.

Tài trợ cho nỗ lực Ma trận Nông nghiệp Bền vững do Quỹ Khoa học Quốc gia và Trung tâm Tổng hợp Môi trường - Xã hội Quốc gia (Mỹ) cung cấp. Thông tin thêm về dự án SAM có tại đây: http://research.al.umces.edu/sam/

Nguồn tham khảo: Xin Zhang, Guolin Yao, Srishti Vishwakarma, Carole Dalin, Adam M. Komarek, David R. Kanter, Kyle Frankel Davis, Kimberly Pfeifer, Jing Zhao, Tan Zou, Paolo D'Odorico, Christian Folberth, Fernando Galeana Rodriguez, Jessica Fanzo, Lorenzo Rosa, William Dennison, Mark Musumba, Amy Heyman, Eric A. Davidson. Quantitative assessment of agricultural sustainability reveals divergent priorities among nations. One Earth, 2021; 4 (9): 1262 DOI: 10.1016/j.oneear.2021.08.015.

Phù Quốc Minh Phương

 


Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 1309
  • Trong tuần: 19 349
  • Tất cả: 4388935