Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng, hiệu quả và phòng trừ sâu bệnh cho cây thanh long"
Hội thảo do Viện cây ăn quả Miền Nam và Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Trà Vinh tổ chức ngày 28/8/2018, tại Ủy ban nhân dân xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Tham dự Hội thảo có TS. Đoàn Hữu Tiến, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và Ths. Nguyễn Thành Hiếu, Trưởng phòng Nghiên cứu và Hợp tác Quốc tế Viện cây ăn quả Miền Nam, ông John Campbell, chuyên gia dự án nghiên cứu giống Thanh Long chất lượng cao, ông Châu Văn Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Trà Vinh, cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Hội Làm vườn, các Sở, ngành tỉnh, huyện, các xã có diện tích trồng Thanh Long lớn và các hợp tác xã Thanh Long trong tỉnh.

Đại biểu tham dự Hội thảo

          Theo báo cáo, trên bình diện cả nước, Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng Thanh Long ruột đỏ lớn thứ tư sau tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Từ một vài hecta những năm trước, hiện nay, diện tích trồng Thanh Long ruột đỏ toàn tỉnh trên 300 hecta, tập trung chủ yếu ở huyện Càng Long, Châu Thành và một số điểm của huyện Cầu Ngang, Cầu Kè, Tiểu Cần và Trà Cú. Năng suất bình quân khoảng 25 tấn/ha. Nguyên nhân Thanh Long phát triển nhanh trong thời gian qua là do: Thanh Long thích nghi với nhiều vùng đất khác nhau, dễ canh tác; mang lại thu nhập cao cho người trồng, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, việc trồng Thanh Long cũng gặp nhiêu khó khăn như: Thời tiết, dịch bệnh, diện tích nhỏ lẻ, quy trình canh tác còn mắc phải những khiếm khuyết, đầu ra không ổn định, liên kết sản xuất lỏng lẻo, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chậm và chưa đáp ứng nhu cầu của các hợp tác xã, cơ sở hạ tầng phục vụ chưa đồng bộ (nhất là điện phục vụ cho Thanh Long ra trái mùa nghịch).
           Tại Hội thảo, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung nhiều vào một số vấn đề mà người trồng Thanh Long của tỉnh đang gặp phải như: Dịch bệnh (đốm trắng, thối cành và thán thư), chi phí đầu tư cao (trên 20 triệu đồng/1.000m2) công chăm sóc lớn, đầu ra của sản phẩm gặp khó và bị thương lái ép giá (Thanh Long của Trà Vinh chủ yếu bán tươi qua các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long), chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác về Thanh Long. Đặc biệt, một câu hỏi được đặt ra là “tương lai” trong thời gian tới của cây Thanh Long sẽ như thế nào trước thực trạng phát triển ồ ạt như hiện nay.

    Sương sớm trên vườn Thanh Long (ấp Trà Đéc, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Ngày 28/8/2018)

           Để giải quyết những vấn đề này, theo các diễn giả tại Hội thảo cần: Quy hoạch lại vùng trồng Thanh Long, không phát triển nhiều như hiện tại; Hướng dẫn nhà vườn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng mà không cần phải mở rộng diện tích, sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tích cực tìm hiểu thị trường trong và ngoài nước để sản xuất cho phù hợp; Nên đa dạng sản phẩm trái Thanh Long ngoài bán tươi, cần chế biến qua nhiều sản phẩm khác.../.


 Văn Đoái
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới