Một số biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn (cháy lá) vụ Hè Thu 2016
Vụ Hè Thu 2016 dự đoán là vụ khá bất lợi trong việc sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cây lúa, với  lý do: (1) mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và kéo dài thời gian xâm nhiễm; (2) nắng nóng kéo dài - mùa mưa đến trễ việc gieo sạ gặp rất nhiều khó khăn ở đầu vụ. Tuy nhiên, mưa đến sớm hơn dự đoán, lượng mưa khá đều giúp cho việc xuống giống của người nông tương đối thuận lợi, tập trung chủ yếu các vùng chủ động nguồn nước ngọt (Càng Long, Cầu Kè, một phần của Tiểu Cần) bà con xuống giống sớm hơn các vùng còn lại, giai đoạn sinh trưởng lúa hiện nay là mạ và đẻ nhánh.

Ruộng lúa bị nhiễm cháy lá trên giống OM 5451 (Càng Long)

Qua khảo sát thực tế hiện tại bệnh đạo ôn (cháy lá) đã xuất hiện trên toàn tỉnh  1741 ha tỷ lệ 5- 20% (cấp 1-cấp 3), cục bộ có 440 ha bị hại nặng tỉ lệ từ 20-60% (cấp 5-cấp 7), tập trung ở các xã An Trường A, Tân An huyện Càng Long, huyện Cầu Kè, Tiểu Cần,... bệnh gây hại giai đoạn lúa đẻ nhánh.         

1. Nguyên nhân chủ yếu:

- Hầu hết nông dân rải thừa phân đạm đợt 2 và mưa liên tục, ẩm độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lây lan rất nhanh.

- Một số nông dân không sử dụng thuốc đặc trị bệnh đạo ôn, mà chỉ sử dụng thuốc trừ bệnh phổ rộng,  một số nông dân còn kết hợp thuốc bệnh và phân bón qua lá có chứa thành phần đạm,...

- Phần lớn đất bị nhiễm phèn nặng, mặc dù đầu vụ Hè Thu có nước ngọt rửa phèn, mặn nhưng phần lớn trong khâu làm đất nông dân không đào nhiều rãnh để thoát phèn, ở những ruộng này bệnh xảy ra rất nhanh và nặng.

- Đặc biệt trên các giống nhiễm IR 50404, OM 5451, OM 6976,...

2. Cách phòng trị:

Để quản lý và phòng trị tốt bệnh đạo ôn bà con nông dân cần áp dụng một số biện pháp như sau:

a. Đối với ruộng lúa xuất hiện vết bệnh:

- Thăm đồng nên quan sát  kỹ những nơi lúa phát triển tốt hơn so với những nơi khác, quan sát các lá bên dưới có hình thành vết chấm kim hay không.

- Nếu trên lúa đã xuất hiện các vết chấm kim chuyển sang nâu hoặc có vết hơi úng nước (mới bắt đầu hình thành vết bệnh). Tiến hành phun thuốc ngay.

- Ngưng việc bón phân đạm khi bệnh xuất hiện, tránh bệnh phát triển mạnh trong điều kiện mưa đều như hiện nay.

b. Đối với ruộng xuất hiện bệnh nặng:

- Ngưng ngay việc bón phân đạm (nếu trùng vào đợt bón phân lần 2).

- Nếu ruộng bị nhiễm phèn tháo nước rửa phèn, sau đó bón vôi (vôi đá) liều lượng từ 20-30 kg cho 1.000 m2 nhằm cải thiện môi trường (pH) trong ruộng lúa.

- Trường hợp ruộng bị bệnh đạo ôn nặng và có hiện tượng thối rễ cần thay nước và nên bón vôi, sau đó phun thuốc kích thích rễ (cùng với phun thuốc trị), giúp rễ phục hồi nhanh hơn.

- Tiến hành phun thuốc đặc trị bệnh đạo ôn tuân thủ đúng theo liều lượng khuyến cáo.

- Có thể phun lặp lại 3-5 ngày sau phun lần 1 trường hợp áp lực bệnh nặng.

* Lưu ý:

- Phun thuốc tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.

- Nên sử dụng thuốc đặc trị bệnh đạo ôn hiện có trên thị trường + kết hợp thuốc trừ vi khuẩn. Thuốc có chứa hoạt chất Tricyclazole: Beam 75 WP, Bimusa 800 WP, Trizole, Beamsuper...); một số thuốc có hoạt chất khác: Bump 650 WP,  MapFamy 700 WP,  Taiyou 20SC, Ninja 35 EC...

- Bổ sung thêm phân bón qua lá không chứa đạm nhằm tăng cường dinh dưỡng và giúp lúa mau phục hồi: Agrigro, Comcat, Risopla 2, Boom flower-n...

- Tuyệt đối không sử dụng phân bón qua lá có chứa đạm.

- Tăng cường lực cho cây lúa có thể sử dụng phân bón lá có chứa Canxi, Silic, các sản phẩm hữu cơ, sinh học.

- Nên sử dụng béc chụp (3- 5 béc), điều chỉnh hạt thuốc thật mịn. Phun ướt đều lá.

 

                                                                                 Nguyễn Thị Lùng
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới