Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2019-2020, đánh giá kết quả thực hiện và giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn 9 tháng và kế hoạch 3 tháng cuối năm 2020
         Ngày 15/9/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn năm 2019-2020, đánh giá kết quả thực hiện và giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn 9 tháng và kế hoạch 3 tháng cuối năm 2020 có 100 đại biểu tham dự đại diện cho các Sở, ban ngành tỉnh, đại diện UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và phòng Kinh tế thị xã, thành phố, UBND một số xã thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất chưa tốt và các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Chủ trì Hội nghị do đồng chí Đồng Văn Lâm - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đồng chí Nguyễn Trung Hoàng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị

 

         Ngành Nông nghiệp và PTNT gặp triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn 2020 trong 9 tháng đầu năm gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Mặn đến sớm và cao hơn cùng kỳ nhiều năm, diễn biến phức tạp và xâm nhập vào nội đồng, kết hợp với nắng nóng gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái; nước ngọt dự trữ trong nội đồng không đảm bảo cho sản xuất; môi trường ao nuôi tôm đầu vụ chưa ổn định, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn làm giảm sức đề kháng của tôm, tạo điều kiện cho các loại bệnh phát sinh; ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ và làm rớt giá một số mặt hàng nông sản như thanh long, xoài, dưa hấu, cá lóc, cá tra,…; xuất khẩu các mặt hàng thủy sản qua chế biến bị đình trệ, kéo theo giá thu mua giảm, người dân sản xuất không có lời, thậm chí còn bị thua lỗ nên chưa khuyến khích người dân đầu tư sản xuất; ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi năm 2019 làm cho đàn heo sụt giảm mạnh, heo giống khan hiếm, giá cao nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn; cúm gia cầm có xuất hiện nhưng nhanh chóng được bao vây, khống chế; Dại chó và DTHCP tái xuất hiện. Nhưng cũng có một số thuận lợi như: Bệnh Lở mồm long móng gia súc tiếp tục được kiểm soát; giá cả một số nông sản vẫn ở mức cao như heo hơi, lúa, dừa khô, gà thả vườn, cua biển...Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo ứng phó và đưa ra các giải pháp khắc phục, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương; cùng với sự chung sức, vượt khó của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực và xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực nhờ đó mà 9 tháng đầu năm 2020 đã đạt được một số kết quả như sau: Tổng giá trị sản xuất 19.462 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch, giảm 4,29% so cùng kỳ, trong đó: Thủy sản có tính khả quan cao đạt 7.621 tỷ đồng, đạt 72,57% kế hoạch, tăng 2,93%; nông nghiệp 11.620 tỷ đồng, đạt 63,88% KH, giảm 8,5%; lâm nghiệp 220 tỷ đồng, đạt 70,95% KH, giảm 3,85%. Kết quả đạt được trên từng lĩnh vực, cụ thể như sau:

           - Lĩnh vực trồng trọt: (1) Cây hàng năm gieo trồng 201.307 ha đạt 72,29% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 38.491 ha),gồm: Cây lúa gieo trồng 158.397 ha, đạt 70,89% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 36.839 ha); đã thu hoạch 92.883 ha, đạt 58,64% diện tích gieo trồng, sản lượng 460.531 tấn (giảm 365.359 tấn). Cây màu và cây ngắn ngày khác: Gieo trồng 42.910, đạt 77,95% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 1.651 ha), đã thu hoạch 38.072 ha, sản lượng 928.247 tấn (giảm so cùng kỳ 94.481 tấn); (2) Cây lâu năm: Cải tạo và trồng mới cây ăn trái và cây dừa được 987,3 ha, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 41.250 ha (cây ăn trái 18.050 ha, dừa 23.200 ha), tăng 1,66% so với cùng kỳ, tổng sản lượng thu hoạch 457.102 tấn  (cây ăn trái 221.610 tấn, dừa 235.492 tấn (đạt 81,7% KH) cao hơn cùng kỳ 21.332 tấn.

         - Lĩnh vực chăn nuôi: Có xuất hiện rải rác bệnh Cúm gia cầm, Dại chó và dịch tả heo Châu Phi nhưng tạm thời được khống chế; đàn bò và đàn gia cầm tiếp tục phát triển khá; việc tái đàn heo còn thấp từ đầu năm  đến nay mới chỉ có 3.670 hộ tái đàn, với số con tái đàn là 66.344 con. Tính đến nay: Đàn heo 154.220 con, đạt 48,19% kế hoạch (giảm 65.630 con so cùng kỳ); bò 213.550 con, đạt 97,07% kế hoạch (tăng 3.946 con); đàn gia cầm 7,725 triệu con, vượt 10,36% kế hoạch (tăng 203 ngàn con).

         - Thủy sản: Sản lượng thu hoạch 170.574 tấn, đạt 73,3% kế hoạch, tăng 5,38% so với cùng kỳ, cụ thể: (1) Thủy sản nuôi: Thả nuôi 6,43 tỷ con giống, diện tích 55.776 ha, thu hoạch 110.820 tấn, đạt 75,39% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ 10.418 tấn; (2) Thủy sản khai thác: Thu được 59.754  tấn, đạt 69,7% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 1.705 tấn.

         - Lâm nghiệp: Hoàn thành công tác vệ sinh phòng cháy, chữa cháy 254,3 ha rừng, đạt 100% kế hoạch;trồng mới 99 ha rừng tập trung, đạt 49,5% kế hoạch; chăm sóc 338,32 ha, vượt 31,64% KH, khoán bảo vệ rừng 5.095 ha, đạt 90% KH.

         Về tình hình thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất: 9 tháng đầu năm, có 2.347,88 ha đất trồng lúa chuyển đổi sang trồng cây hàng năm và lâu năm khác hoặc kết hợp với nuôi trồng thủy sản; cải tạo vườn tạp được 77,7 ha (Cầu Kè 76,7 ha, Châu Thành 01 ha); cải tạo giồng tạp chuyển sang trồng màu 100,1 ha ở huyện Tiểu Cần; chuyển đổi 177,6 ha mía kém hiệu quả ở huyện Trà Cú sang trồng lúa, hoa màu, trồng cỏ, cây ăn trái và nuôi thủy sản. Trong nuôi thủy sản, chuyển đổi từ các con nuôi khác sang nuôi tôm 4.667 ha; các hình thức nuôi khác sang nuôi thâm canh và bán thâm canh khoảng 43 ha và chuyển 271 ha từ hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh sang nuôi thâm canh mật độ cao, nâng tổng số toàn tỉnh có khoảng 9.570 ha nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh (trong đó có 635 ha nuôi thâm canh mật độ cao, tăng 1,74 lần so cùng kỳ), góp phần nâng năng suất, sản lượng và thu nhập cho người sản xuất.

         Trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới trong 9 tháng đầu năm có thêm 8 xã đạt 19/19 tiêu chí, lũy kế đến nay có 64/85 xã đạt 19/19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 75,3%; công nhận 202.548 hộ (đạt 88,96% số phát động) và 490 ấp (chiếm 76,44%) đạt chuẩn NTM; xã Long Đức (thành phố Trà Vinh) và xã Tân Hùng (huyện Tiểu Cần) được công nhận xã NTM nâng cao; huyện Càng Long đang hoàn thiện 02 tiêu chí chưa đạt và thành phố Trà Vinh đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận và xét hoàn thành.

         Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh và địa phương đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi; triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn hạn chế thiệt hại trong sản xuất và ổn định đời sống dân sinh; chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; nhiều chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được thực hiện đã phát huy hiệu quả; từng bước củng cố và phát triển được các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là HTX NN kiểu mới. Đầu tư công được tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động khác của ngành nông nghiệp thực hiện có sự chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao đời sống của dân cư nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái chung của tỉnh.

         Bên cạnh những mặt đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Giá trị sản xuất 9 tháng mới đạt 67,1% kế hoạch, giảm 4,29% so với cùng kỳ (các năm bình thường, không ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh giá trị sản xuất 9 tháng đạt 75% kế hoạch); khô hạn và xâm nhập mặn làm cho 24.479 ha lúa, màu và cây ăn trái bị ảnh hưởng và 11.612 hộ thiếu nước sinh hoạt, tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng; vụ Hè Thu xuống giống trễ hơn trung bình nhiều năm làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ và diện tích xuống giống vụ Thu Đông Mùa 2020, Đông Xuân 2020-2021 trể và giảm hơn so với kế hoạch. Một vài địa phương chưa tuân thủ lịch thời vụ sản xuất và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong điều kiện BĐKH theo khuyến cáo của ngành dẫn đến thiệt hại,  khi có kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho nông dân thực hiện còn chậm. Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ, làm rớt giá một số mặt hàng nông sản, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản qua chế biến bị đình trệ, kéo theo giá thu mua giảm, người dân sản xuất không có lời, thậm chí còn bị thua lỗ nên chưa khuyến khích người dân đầu tư sản xuất. Ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi năm 2019 cộng với giá heo giống cao nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư tái đàn; bệnh Cúm gia cầm tái phát gây ảnh hưởng đến phát triển đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp và giồng tạp thực hiện chậm do một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt; việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với chế biến, tiêu thụ còn chậm. Chưa có sự chuyển đổi mạnh từ khai thác đánh bắt vùng lộng sang vùng khơi, tàu thuyền và trang thiết bị phục vụ khai thác lạc hậu, thời tiết biển không thuận lợi nên sản lượng khai thác hải sản giảm hơn so với cùng kỳ. Công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai các chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của một số địa phương thực hiện chưa tốt. Hoạt động của các HTX nông nghiệp hiệu quả thấp; việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, ngành nghề nông thôn còn gặp một số khó khăn nhất. Công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế; công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm ở một số địa phương chưa thực hiện tốt.

Toàn cảnh hội nghị

         Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trung Hoàng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị về một số chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện 3 tháng cuối năm 2020, cụ thể như sau:

Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành 03 tháng còn lại của năm 2020: Giá trị sản xuất phải đạt 9.547 tỷ đồng, bao gồm: Nông nghiệp 5.591 tỷ đồng; lâm nghiệp 90 tỷ đồng; thủy sản 3.866 tỷ đồng; sản lượng của một số cây trồng, vật nuôi cần phải đạt thêm: Lúa 565,02 ngàn tấn; màu và cây hàng năm khác 445,93 ngàn tấn; cây lâu năm 120,65 tấn (dừa 73,7 ngàn tấn, cây ăn trái 46,94 ngàn); đàn heo 138,92 ngàn con; đàn bò 14,9 ngàn con, đàn gia cầm 336,8 ngàn con; thủy sản nuôi 45,16 ngàn tấn (14,11 ngàn tấn tôm), khai thác 31,25 ngàn tấn (7,13 ngàn tấn tôm); trồng mới khoảng 15 ha rừng tập trung.

         Các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Thông báo số 60/TP-VP ngày 27/5/2020 của Văn phòng UBND tỉnh Ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng tại cuộc họp nghe báo cáo đánh giá kết quả thực hiện và giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2020. Bên cạnh đó, các Sở, ban ngành và địa phương cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2020, cụ thể như sau:

            (1) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

         - Tập trung nguồn lực tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm soát và khống chế các ổ dịch Cúm gia cầm, Dại chó và Dịch tả heo Châu Phi đã xảy ra rải rác thời gian qua không để xảy ra diện rộng.

         - Phối hợp với các địa phương bố trí, cơ cấu lại mùa vụ gieo trồng các vụ lúa phù hợp, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2020-2021 nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

         - Đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu.

         - Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

         - Phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện tốt các chính sách của TW và của tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Nhanh chóng hoàn chỉnh các thủ tục tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 05 Nghị quyết vào kỳ họp cuối năm 2020 (gồm: (1)Quy định khu vực được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến và chính sách di dời trên địa bàn tỉnh; (2) Quy định số lượng, chế độ, chính sách đối với nhân viên thú y xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; (3) Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025; (4) Chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng, bảo vệ rừng phòng hộ và trồng cây lâm nghiệp phân tán trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025; (5) Chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Trà Vinh).

         - Khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai và dân sinh.

         - Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, quản lý giống, vật tư nông nghiệp, công tác quản lý đê điều, cơ chế, chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

         - Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển ngành ngành nghề, OCOP, hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135.

         - Tham mưu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt mục tiêu năm 2020 đề ra.

         - Phối hợp với Công ty ICE – LOFT tham mưu UBND tỉnh triển khai Dự án mô hình trình diễn “Kho trữ lạnh thông minh” tại xã Bình Phú, huyện Càng Long.

         (2) Các Sở: Công thương, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại và Ban Điều phối Dự án AMD và Ban Quản lý Dự án SME: Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Thông báo số 60/TP-VP ngày 27/5/2020 của Văn phòng UBND tỉnh.

         (3) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn:

         - Đánh giá kết quả thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn 9 tháng và kế hoạch 03 tháng cuối năm 2020 để có các giải pháp phù hợp triển khai thực hiện đạt kế hoạch bù đắp đã đề ra; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn.

         - Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; điều chỉnh lại mùa vụ sản xuất cho phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm; tiếp tục chuyển đất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn hoặc nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau màu theo hướng công nghệ cao; tập trung cải tạo giồng tạp, vườn tạp và cải tạo, trồng mới cây ăn trái và cây dừa kém hiệu quả, sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và tái đàn vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học. Tập trung phát triển mạnh nuôi các đối tượng chủ lực, trọng tâm là nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, nghêu, cá lóc... phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, trên biển. Chỉ đạo mùa vụ, quy trình nuôi trồng phù hợp với thời tiết, thị trường; nhân rộng các mô hình nuôi thâm canh, công nghệ cao.

         - Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Củng cố, đổi mới và phát triển các HTX, tổ hợp tác, kinh tế trang trại.

         - Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành; Tập trung tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất; chỉ đạo phát triển mạnh loại hình liên kết giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã trong đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản.

         - Chủ động nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm chủ lực phù hợp với điều kiện của địa phương để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hoá gắn sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

         - Theo dõi, đánh giá các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đề xuất chính sách hỗ trợ để nhân rộng đối với các mô hình hiệu quả.

         - Xây dựng kế hoạch nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng 2021 đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; nhanh chóng thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình do Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai thi công phải đảm bảo đúng tiến độ đề ra./.

 

Đoàn Văn Minh

                                                                          Văn phòng Sở Nông nghiệp và PTNT 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới