Tổng kết 03 năm thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ

         Trong thời gian trước đây, chất lượng hoạt động của đa số Hợp tác xã nông nghiệp còn yếu kém, thu nhập của chính Hợp tác xã và thành viên thấp (hoặc không có thu nhập) dẫn đến nhiều người dân chưa tích cực tham gia vào hợp tác xã. Quy mô hợp tác xã chưa đủ lớn, vẫn còn tồn tại nhiều hợp tác xã đông thành viên nhưng chủ yếu hoạt động dịch vụ đầu vào do liên kết lỏng lẻo nên vai trò của các hợp tác xã đối với thành viên rất hạn chế... Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2020 về việc phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Thực hiện chủ trương đó cùng với Kế hoạch số 3594/KH-BNN-KTHT ngày 13/9/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ngành nông nghiệp và PTNT, các Sở ngành liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ (UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 12/4/2019 về phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh).

         Nhằm đánh giá lại những kết quả phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian qua, đồng thời đề ra phương hướng thực hiện cho giai đoạn 2021 – 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết 03 năm thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Sở, Ban ngành tỉnh, các huyện – thị xã – thành phố, UBND các xã, và đặc biệt là sự góp mặt các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT
 phát biểu khai mạc Hội nghị

 

         Tại Hội nghị tổng kết, đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân:

         - Về kết quả đạt được

         Công tác tuyên truyền: đã lắp đặt được 07 pano; phát hành 20.600 tờ bướm và 1.000 cuốn tài liệu xây dựng Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới gắn với tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp; 03 phóng sự về kết quả xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới nói riêng và phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã nông nghiệp nói chung; tập huấn trên 200 lớp. Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã còn phát hành Bản tin Kinh tế hợp tác hàng quí với 1.200 cuốn phát hành đến cán bộ đoàn, hội các cấp để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia và thành lập Hợp tác xã. Nhìn chung, qua các lớp tuyên truyền, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kinh tế tập thể nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng để từ đó có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác hỗ trợ phát triển vào thời gian tới.

         Về phát triển hợp tác xã:

         Trong năm 2019 – 2020 phát triển mới được 50 HTX nông nghiệp (đạt 119% so với kế hoạch), nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 145 HTX (đạt 106% so với kế hoạch). Tuy nhiên, số HTX nông nghiệp giải thể, ngưng hoạt động là 16 HTX (trong đó có 09 HTX đã có quyết định giải thể, 07 HTX xử lý theo hướng củng cố lại bộ máy hoạt động). Vì vậy, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 129 HTX nông nghiệp đang hoạt động (chiếm 89% số HTX hiện có); tổng diện tích đất tham gia hợp tác sản xuất 2.580 ha, với 8.081 thành viên; vốn điều lệ 95,27 tỷ đồng, thu hút 9.384 thành viên, tạo việc làm cho 742 lao động trong HTX. Số lượng hợp tác xã thực hiện liên kết với doanh nghiệp ước tính đến hết năm 2020, trong đó liên kết theo chuỗi giá trị khoảng 30% (tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tiểu Cần).

         Hợp tác xã đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất: quy trình canh tác lúa thông minh, rau màu hữu cơ, rau màu trong nhà lưới, quy trình thực hành nông nghiệp tốt đạt chuẩn VietGAP, quy trình canh tác dừa hữu cơ và sản xuất lúa hữu cơ. Đến nay, có có 02 HTX được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (HTX NN Ninh Thới - sản phẩm bưởi da xanh, đạt 3 sao, HTX NN Long Hiệp - gạo Hạt Ngọc Rồng, đạt 4 sao).

         Thực hiện các chính sách hỗ trợ: đến nay có 146 cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về hỗ trợ cho 63 HTX nông nghiệp; hỗ trợ HTX NN Long Hiệp xây dựng chuỗi giá trị gạo sạch với kinh phí là 320 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí thành lập HTX là 1.890 triệu đồng; hỗ trợ 13 HTX nông nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 và Nghị quyết 56/2018/NQ-HĐND ngày 04/5/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh với tổng kinh phí trên 8 tỷ đồng (trong đó có 3/13 HTX đã đưa công trình vào sử dụng); có 02 HTX nông nghiệp tham gia thí điểm mô hình HTX NN kiểu mới được hỗ trợ 2.000 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2020 (nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới); hỗ trợ cho HTX nông nghiệp Tân Hòa, HTX nông nghiệp Vạn Hưng liên kết với Công ty Á Châu (Bến Tre) tiêu thụ sản phẩm dừa trái; hỗ trợ 03 HTX (HTX nông nghiệp Dân Tiến, HTX nông nghiệp Huyền Hội và HTX nông nghiệp Phú Cần) hợp đồng với Cty TNHH Lương thực Tấn Vương (An Giang) trong liên kết tiêu thụ lúa gạo. Ngoài ra, Sở Công thương hỗ trợ cho hơn 20 lượt HTX, THT sản xuất, kinh doanh chế biến, nông, lâm thủy sản, thủ công mỹ nghệ trong tỉnh tham gia trưng bày, quảng bá thương hiệu sản phẩm tại các kỳ Hội chợ.

         Thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND. Qua đó, trong năm 2020, UBND huyện Cầu Kè đã phê duyệt 03 dự án liên kết của 03 HTX với tổng kinh phí trên 1.500 triệu đồng.

         Về xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng đối với sản phẩm của hợp tác xã nông nghiệp: hỗ trợ HTX nông nghiệp Tân Hòa xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ (đã được chứng nhận vùng nguyên liệu). Ngoài ra, trong năm 2020 tiếp tục hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Tiểu Cần; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 03 HTX nông nghiệp; có 06 HTX được công nhận phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap (HTX quýt đường Thuận Phú, HTX xoài cát chu An Lộc, HTX bưởi da xanh Hùng Hòa, HTX bưởi da xanh Ninh Thới, HTX NN Tân Qui và HTX NN Long Hữu).

         Chính sách tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã: có 05 HTX được tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có 01 HTX vay từ nguồn vốn của Hội Nông dân tỉnh với dư nợ 244 triệu đồng; 01 HTX được vay hỗ trợ từ nguồn vốn Oxfam Anh với dư nợ là 100 triệu đồng; 11 HTX (trong đó có 03 HTX điểm) được vay vốn từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của Trung ương và của tỉnh với tổng dư nợ trên 05 tỷ đồng; 10 HTX vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm (Quỹ 120) với số tiền 2.450 triệu đồng. Nhìn chung các HTX sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Từ nguồn vốn vay, các HTX đã đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, giúp các HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động trong HTX. Tuy nhiên, một số HTX chưa, chậm trả nợ gốc, lãi đúng hạn nên gây khó khăn hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

         - Về tồn tại hạn chế

         Những kết quả đạt được trong 03 năm là kết quả của sự nỗ lực trong toàn Ngành nông nghiệp; sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở ngành tỉnh và địa phương; sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều khó khăn, hạn chế cả về yếu tố khách quan lẫn chủ quan:

         Một số chính sách hỗ trợ cho HTX của nhà nước của Nhà nước chưa thực sự đi vào thực tiễn như: tín dụng, vay vốn quỹ đầu tư phát triển của nhà nước, xúc thương mại, hỗ trợ liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản chế biến nông sản … nên chưa tạo được đòn bẩy để phát huy hết vai trò và sức mạnh của thành phần kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường.

         Về công tác triển khai kế hoạch: Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch về phát triển Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã đã được phân giao tại Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 12/4/2019 của UBND tỉnh (cụ thể hóa Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 3594/KH-BNN-KTHT của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Các địa phương tăng cường đưa cán bộ trẻ có trình độ về hỗ trợ cho các hợp tác xã nông nghiệp theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính và Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 05/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá ước khoảng 50% số cán bộ làm việc có hiệu quả (do liên quan đến hợp tác xã có hoạt động hay không hoạt động).

         Từ nội tại của hợp tác xã: một số HTX còn trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; chưa chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; quyền lợi của các thành viên chưa được quan tâm kịp thời; các HTX chưa có kinh nghiệm trong việc liên kết giữa HTX với thành viên, giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp; năng lực quản trị của Hợp tác xã nông nghiệp nhìn chung còn yếu; hoạt động của HTXNN chủ yếu làm dịch vụ trong nội bộ thành viên; các HTXNN hiện nay có quy mô nhỏ, mức vốn góp của HTX bình quân thấp (đa số khoảng 100 – 200 triệu đồng/HTX), khả năng huy động vốn còn hạn chế; một số HTX thiếu vốn hoạt động, nhưng việc tiếp cận chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn; sản phẩm của hợp tác xã đa số là sản phẩm thô, chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng không cao; nếu được hỗ trợ đầu tư các hạng mục theo kế hoạch được duyệt, các Hợp tác xã vẫn gặp khó khăn trong việc đối ứng nguồn kinh phí để thực hiện đầu tư; việc duy trì hiệu quả hoạt động của một số HTX còn thiếu tính bền vững, khó mở rộng quy mô sản xuất.

         Với kết quả đạt được trong 03 năm cùng với những khó khăn, hạn chế. Ngành nông nghiệp đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá làm nền tảng phát triển trong giai đoạn 2021 – 2025 như sau:

         Một là, có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tích cực của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã được phát huy tối đa trong công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ thành lập HTX, LHHTX. Ngoài ra, còn có sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, tạo các nguồn lực thúc đẩy quá trình phát triển Hợp tác xã trong thời gian tới.

         Hai là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Hợp tác xã, liên hiệp HTX làm cho mọi người dân, các tầng lớp xã hội hiểu biết đầy đủ hơn vai trò, vị trí của Hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường; bản chất, các nguyên tắc và giá trị của Hợp tác xã; hiểu rõ về mô hình Hợp tác xã kiểu mới, tạo được môi trường tâm lý thuận lợi cho sự phát triển Hợp tác xã trong thời gian tới.

         Ba là, Hợp tác xã phải nỗ lực vươn lên từ nội lực của chính mình, có định hướng hoạt động cụ thể và phù hợp, không trông chờ, ỷ lại. Mọi hoạt động, phải mang lại lợi ích cho thành viên, tạo sự gắn kết và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hai chiều giữa Hợp tác xã và thành viên. Phải chủ động, tập trung vào các hoạt động kinh tế, xây dựng tiềm lực kinh tế. Cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao kỹ năng điều hành, quản lý. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là nhân tố có ý nghĩa quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt Hợp tác xã  có năng lực - trình độ, tâm huyết và gắn bó với sự nghiệp phát triển Hợp tác xã.

         Bốn là, củng cố phát triển các Hợp tác xã trên cơ sở tập hợp liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế và bảo đảm đúng nguyên tắc, bản chất và giá trị Hợp tác xã, chú trọng công tác tổng kết, xây dựng và phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình kinh tế hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới.

         Năm là, việc đưa cán bộ trẻ có trình độ Đại học, Cao đẳng có trình độ chuyên môn phù hợp về hỗ trợ Hợp tác xã tạo ra một đòn bẩy vừa giúp Hợp tác xã củng cố lại hoạt động đảm bảo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 (đặc biệt là sổ sách Kế toán); vừa xây dựng được kế hoạch và chiến lược hoạt động cho những năm tiếp theo.

Hồng Yến

Chi cục Phát triển nông thôn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới