Hội Nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19
         Ngày 14/5/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến về “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện Covid-19” do ông Lê Quốc Doanh và ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí là đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thuỷ sản, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, Tập đoàn bán lẻ.
Ông Lê Quốc Doanh -  Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc Hội nghị

         Tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố là đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố; các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công thương. Tại Trà Vinh, ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu khai mạc Hội nghị; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản những tháng đầu năm 2021; đánh giá tác động của diễn biến dịch bệnh Covid-19 tới tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong thời gian tới; các ý kiến phát biểu của Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước; các ý kiến thảo luận của các tỉnh: Bắc Giang, Sơn La, Bình Thuận, Tiền Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Cần Thơ.

         Cả nước tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong những tháng đầu năm như sau:

         - Trồng trọt:

         + Cây lúa: Trong 4 tháng đầu năm cả nước gieo cấy được 3.302,3 nghìn ha, giảm 24 nghìn ha so cùng kỳ; đã thu hoạch1.712,1 ha, năng suất trung bình 6,97 tấn/ha, tăng 0,29 tấn/ha; sản lượng 11.938,7 nghìn tấn. Trong quý I, Philippin là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, chiếm 37,4% thị phần, tuy nhiên xuất khẩu giảm 30,7% về lượng và giảm 14,5% về gía trị; thị trường Ghana cũng giảm 11,7%; Malaysia giảm 54,7%, Singapore giảm 37,7% so cùng kỳ năm 2020. Sang đầu tháng 4 xuất khẩu sang thị trường Philippin, Ghana đã tăng trở lại. Dự báo trong thời gian tới xuất khẩu gạo sẽ tăng trở lại do: Nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao nhất là các thị trường lớn như Philippin, Malaysia, Trung Quốc… đều tăng mạnh; các thị trường xuất khẩu chính đã tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam; điều kiện thời tiết không thuận lợi dẫn đến sản lượng lương thực giảm ở nhiều nước…

         + Rau, màu: Các địa phương đã gieo trồng 382 nghìn ha bắp, tăng 1,8% so cùng kỳ. Nhìn chung, các loại rau màu được gieo trồng đúng thời vụ, phát triển tốt. Ước tính nhu cầu tiêu thụ rau nội địa của người dân trong cả nước khoảng 14 triệu tấn, phục vụ chế biến xuất khẩu và các mục đích khác hơn 4 triệu tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 9,5% so với cùg kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu các loại rau quả chủ lực như thanh long, xoài, chuối, dưa hấu, mít, ớt, cà rót… đều tăng.

         - Chăn nuôi: Những tháng đầu năm, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp nhưng toàn ngành đã phối hợp tốt với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát ngăn chặn. Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển ổn định. Cụ thể: Đàn trâu giảm 2,4% so cùng thời điểm năm 2020, đàn bò tăng khoảng 1%, đàn heo tăng 11,1%, đàn gia cầm tăng 8,3%. Trong quý I, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước tăng 34,7% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa tăng 27,8%, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt tăng 16,6%, xuất khẩu trứng các loại tăng 61,2%.

         - Thủy sản: Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 687,2 nghìn tấn, nâng tổng sản lượng 4 tháng 2.485 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ (khai thác 1.215,1 nghìn tấn, tăng 1,4%; nuôi trồng 1.269,9 nghìn tấn, tăng 2,8%). Tính chung, 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản tăng 7,14%, trong đó xuất khẩu tôm tăng 8,03%, cá tra 11,5%.

         Tại Trà Vinh, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản ít bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, một số nông sản vẫn tiêu thụ tốt, không tồn đọng, giá cả ổn định và luôn ở mức cao như: Lúa gạo, đậu phộng, dưa hấu, thanh long ruột đỏ, cam sành, chuối, dừa, heo, tôm sú, cua biển. Bên cạnh đó, cũng có một số nông sản bị rớt giá, tiêu thụ chậm, sản xuất không có lãi, bị thua lỗ gây khó khăn cho người sản xuất như: Bưởi, xoài, ổi, cá lóc, tôm thẻ chân trắng.

Tại đầu cầu tỉnh Trà Vinh

         Tại Hội nghị còn ghi nhận các ý kiến phát biểu, kiến nghị của Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thuỷ sản, các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố về tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận như sau:

         - Các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch hỗ trợ, phối hợp tháo gỡ khó khăn của các tỉnh.

         - Có kế hoạch kiểm dịch thực vật các doanh nghiệp để tháo gỡ thị trường, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác xúc tiến thương mại, hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu.

         -  Có những giải pháp kết hợp với các doanh nghiệp để tiêu thụ số lượng nông sảng tồn đọng trong dân.

         - Phối hợp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; Cục Trồng trọt tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, tham mưu xuất khẩu, chế biến thông qua đường chính ngạch, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.  Kết hợp Vụ Hợp tác Quốc tế tham mưu hỗ trợ tạo điều kiện thông quan các cửa khẩu tại hai nước (Việt Nam – Trung Quốc) được thuận lợi hơn. Mở đường dây nóng kịp thời thông tin tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

         - Nên thành lập Tổ liên ngành gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương,  Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan để giải quyết các vấn đề khó khăn về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là tại các cửa khẩu.

         - Các địa phương có vấn đề vướng mắc cần kiến nghị ngay để được giải quyết kịp thời.

         - Các tỉnh nên chủ động xây dựng kịch bản xuất khẩu hàng hoá. Các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn, xây dựng phương án cụ thể, nếu có khó khăn thì Bộ sẽ hỗ trợ.

         - Các Hiệp hội, ngành hàng phối hợp cùng các ngành chức năng hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa phương.

         Hy vọng với những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

                                                                                       Mỹ Hòa

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới