Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19

         Năm 2021, Việt Nam phấn đấu đạt 4,3 triệu tấn lương thực, trên 18 triệu tấn rau trong đó hơn 4 triệu tấn cho xuất khẩu, 8,6 triệu tấn thủy sản, 5,6 triệu tấn thịt gia súc, gia cầm, 15 tỷ quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa[i],… Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của cả nước đang gặp nhiều khó khăn, giá thấp và không bán được. Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố[ii]. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị; tại điểm cầu Trà Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Đông chỉ trì, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Sở và các doanh nghiệp tham dự. Theo kế hoạch, năm 2021 tỉnh Trà Vinh dự kiến sản lượng lúa đạt 1,084 triệu tấn, màu lương thực 0,060 triệu tấn, màu thực phẩm 0,710 triệu tấn, tổng sản lượng thủy sản 0,238 triệu tấn. Tính đến tháng 5/2021, toàn tỉnh đạt sản lượng lúa 0,389 triệu tấn (bằng 35,88% kế hoạch), màu lương thực 0,018 triệu tấn (29,41%), màu thực phẩm 0,268 triệu tấn (37,71%), thủy sản 0,080 triệu tấn (33,63%), cũng giống như các tỉnh trong nước, thời gian qua, giá một số mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh luôn ở mức thấp[iii].

 

Ông Lê Văn Đông (áo trắng), chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh

         Tại Hội nghị, đại diện Cục Bảo vệ Thực vật báo cáo về những vướng mắc trong tiêu thụ (xuất khẩu) ở lĩnh vực trồng trọt, đó là: Vấn đề quản lý sinh vật gây hại, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm (quan ngại của người tiêu dùng về dư lượng thuốc, nhiễm vi sinh vật), đảm bảo chất lượng và rào cản kỹ thuật nước nhập khẩu,... Để tháo gỡ vướng mắc, Cục Bảo vệ Thực vật tập trung quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói, tăng cường giám sát an toàn thực phẩm; tăng cường hoạt động kiểm dịch thực vật; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất; tiếp tục đàm phán, tháo gỡ rào cản thị trường. Về nhiệm vụ của địa phương, cần tăng cường tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp; tăng cường quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; quản lý chặt chẽ vùng trồng, cơ sở đóng gói; tăng cường thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật để thúc đẩy việc xây dựng nền tảng kỹ thuật số.

         Ở lĩnh vực chăn nuôi và thú y, gặp khó trong xúc tiến xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật do chăn nuôi còn nhỏ, lẻ, manh mún đan xen nhiều loại gia súc, gia cầm; luôn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh (Lở mồm long móng, Cúm gia cầm,…) nên chưa đủ điều kiện để được các nước đánh giá rủi ro nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, yêu cầu của các nước nhập khẩu; giá thành sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam cao, khó cạnh tranh, cùng một số nguyên nhân khác. Để xử lý khó khăn, Cục Thú y đưa ra giải pháp thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật có thế mạnh của Việt Nam; đàm phán thỏa thuận thú y với các nước để mở rộng thị trường; xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB), vùng ATDB có thể là liên huyện trong một tỉnh hoặc của nhiều tỉnh; rà soát, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp,… Về phía địa phương, cần quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng; xây dựng cơ sở, vùng ATDB; thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh,…

Minh họa vùng liên huyện ATDB gia cầm bán kính khoảng 100-200 km
 tính từ Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Màu xanh lá: Huyện cơ sở, vùng gia cầm ATDB;
 Màu xanh nước biển: Huyện dự kiến ATDB (Ảnh chụp màn hình tại Hội thảo)

         Đối với lĩnh vực thủy sản, các vướng mắc, thách thức đang gặp phải hiện nay, như: Một số nước áp dụng các biện pháp kỹ thuật không phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế, thiếu cơ sở khoa học làm cản trở gia tăng giá trị xuất khẩu; quy định nhà nhập khẩu khai báo nguồn gốc xuất xứ, ngư cụ, vùng đánh bắt; chống gian lận xuất xứ, lẩn thuế khấu khẩu nông sản, thủy sản; vướng mắc phát sinh trong bối cảnh Covid-19 (yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong sản xuất kinh doanh, một số thị trường tăng cường kiểm soát bao bì, bề mặt tiếp xúc với thực phẩm của hàng đông lạnh, xét nghiệm Covid đối với sản phẩm, bao bì nhập khẩu),… Vì vậy, để thúc đẩy tiêu thụ thủy sản trong nước và xuất khẩu, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản sẽ hướng dẫn kịp thời quy định của FAO về đảm bảo sản xuất thực phẩm trong điều kiện phòng chống Covid và các văn bản của Trung ương; phối hợp với các nước rà soát, bổ sung doanh nghiệp xuất khẩu; tăng cường đàm phán song phương; tích cực tháo gỡ thẻ vàng IUU; xử lý, thông tin kịp thời các vụ vi phạm, sự cố an toàn thực phẩm,… Về trách nhiệm của địa phương, cần quy hoạch phạm vi, đối tượng thủy sản nuôi, giám sát an toàn thực phẩm, dịch bệnh; bố trí kinh phí để tổ chức giám sát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản; tổ chức thông tin, tuyên tuyền về thực hiện giám sát an toàn thực phẩm, bệnh trên thủy sản; vận động người nuôi áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP, MSC,…

         Phát biểu tại Hội nghị, các địa phương kiến nghị Trung ương cần hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy chế biến, bảo quản nông sản. Theo đánh giá, chế biến bảo quản nông sản là khâu yếu nhất trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản hiện nay. Phần lớn nông sản xuất bán tươi, phụ thuộc vào thị trường, luôn trong tình trạng “được mùa rớt giá”, không bảo quản, tồn trữ được lâu, không tạo thêm giá trị gia tăng qua chế biến. Đồng thời đẩy nhanh việc cấp mã vùng trồng cho các mặt hàng nông sản, đây không chỉ là yêu cầu của các nước xuất khẩu mà ngay cả tiêu dùng trong nước để truy gốc nguồn gốc. Có thể giao cho tỉnh cấp mã vùng đối với những sản phẩm tiêu thụ trong nước. Cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung tạo ra số lượng hàng hóa lớn, ổn định để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy thu mua, chế biến. Theo phản ảnh của các doanh nghiệp, một trong những vấn đề của nông sản Việt Nam không phải nhãn hiệu mà là thiếu nguyên liệu để phục vụ các nhà máy sản xuất.  

         Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, để tạo điều kiện và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các địa phương, cần có hướng dẫn quy trình vận chuyển nông sản an toàn. Nên vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tạo thành phong trào và tránh “giải cứu nông sản” gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều mặt hàng nông sản bán dưới giá thành sản xuất và kéo dài, thí dụ gà thịt và trứng gà, nhiều cơ sở sau khi bán gà đã ngưng tái đàn gây nguy cơ thiếu hụt thịt gà, trứng gà trong thời gian tới. Do vậy bên cạnh các giải pháp về tiêu thụ, cần khuyến khích cơ sở tiếp tục đầu tư sản xuất. Và để giảm bớt khó khăn cho cơ sở, cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng (vay ưu đãi), khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế,… Đồng thời, định hướng, xây dựng lại kế hoạch sản xuất, trong đó có việc nhập nguyên liệu để ổn định sản xuất và tạo việc làm. Tăng cường đàm phán, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu. Về sản xuất và tiêu thụ một số mặt hàng cụ thể, như: Sản phẩm thịt đông lạnh cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ hàng trong nước như một số nước đã và đang làm rất tốt. Phát động chương trình sữa học đường kích cầu tiêu thụ sữa. Đối với mặt hàng café, cấm và loại bỏ việc sử dụng thuốc trừ cỏ nếu không, café sẽ có nguy cơ bị từ chối nhập khẩu vào các nước,... Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã ghi nhận các kiến nghị, tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với địa phương tháo gỡ hoặc tham mưu, đề xuất về Bộ để xử lý, nhất là phải khẩn trương hoàn thành hướng dẫn quy trình vận chuyển, tiêu thụ nông sản an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

         Có thể thấy rằng, qua Hội nghị, với những giải pháp đồng bộ từ Trung ương, địa phương và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thì nông sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Trà Vinh nói riêng, sẽ được “thông suốt” không chỉ tháo gỡ trong mùa dịch mà đây còn chính là giải pháp lâu dài trong thời gian tới. 

Văn Đoái



[i] Khánh Nguyên (2021), Tìm lối ra cho nông sản mùa dịch Covid-19 (bài cuối): Dồn toàn lực để tiêu thụ nông sản. https://danviet.vn/tim-loi-ra-cho-nong-san-mua-dich-covid-19-bai-cuoi-don-toan-luc-de-tieu-thu-nong-san-2021052816551766.htm, truy cập ngày 01/6/2021

[ii]  Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, tổ chức vào sáng ngày 03/6/2021. Nội dung trong bài viết trích dẫn từ tài liệu của Hội nghị

[iii]Báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT Trà Vinh (2020) và Báo cáo tháng 5/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới