Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tạo tiền đề phát triển nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

         Ngày 23 tháng 6 năm 2021, tai điểm cầu Hà Nội dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với một số tỉnh, thành ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nghe các cơ quan trực thuộc và các địa phương báo cáo nội dung đề xuất dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu thích ứng với biến đổi khí hậu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cùng tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội còn có: Đại diện nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp: Tổng cục Thủy sản, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch, Ban Quản lý các dự án ngành nông nghiệp... cùng các phóng viên tham dự và đưa tin; tại các điểm cầu địa phương: Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang; tại điểm cầu Trà Vinh: ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải, Trà Cú và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hội thảo trực tuyến đề xuất Tiểu dự án thuộc Hợp phần thủy sản tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

 

         Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nêu khái quát thông tin chung về dự án.

         Tên dự án: Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

         Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh.

         Nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)  

         Mục tiêu của dự án: Góp phần nâng cao thu nhập, phát triển sinh kế bền vững vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

         Phạm vi của dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tại các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiển Giang và 04 tỉnh đề xuất tham gia dự án: Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang.

         Tổng mức đầu tư toàn dự án: 250.000.000 USD; trong đó: Vốn vay 170.000.000 USD, vốn không hoàn lại 15.000.000 USD, vốn đối ứng 65.000.000 USD.

         Thời gian thực hiện dự án: Chuẩn bị dự án, trình phê duyệt danh mục quý IV/2021, trình phê duyệt chủ trương đầu tư quý II/2022, trình phê duyệt FS và các Văn kiện dự án quý IV/2022. Thời gian thực hiện dự án 05 năm 2023-2028.

         Dự án gồm có 03 Hợp phần chính:

         Hợp phần 1: Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

         Hợp phần 2: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; cung cấp hỗ trợ khuyến nông để nông dân trong vùng có thể thực hiện chuyển đổi sản xuất trong vùng hưởng lợi sản xuất bề vững hơn.

         Hợp phần 3: Tổ chức Quản lý điều hành dự án.

         Trên cơ sở nội dung các Hợp phần tổng thể của dự án, theo chỉ đạo của Thứ trưởng các địa phương đã đề xuất hợp phần về thủy sản như sau:

         Thành phố Cần Thơ, đề xuất dự án: Trung tâm Phát triển thủy sản Cần Thơ; công suất thiết kế 20 ha, dự kiến kinh phí đầu tư 300 tỷ đồng.

         Tỉnh Tiền Giang, đề xuất dự án: Sửa chữa, nâng cấp cảng cá Vàm Láng kết hợp khu neo tránh trú bão, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, công suất thiết kế: Mở rộng cầu tàu 400CV, chiều dài 70m, nạo vét chiều dài khu neo 2,5km, khối lượng 300.000 m3; dự kiến kinh phí đầu tư 200 tỷ đồng;

         Tỉnh Trà Vinh, đề xuất dự án: Sửa chữa nâng cấp cảng cá Định An kết hợp khu neo tránh trú bão, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, công suất thiết kế nâng công suất các tàu lên 400CV; dự kiến kinh phí đầu tư 293 tỷ đồng; về lĩnh vực Sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đề xuất dự án: Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp huyện Duyên Hải tỉnh Trà Vinh; công suất thiết kế hạ tầng giao thông 06 cầu, xây dựng mới đường giao thông chiều dài 15,5km; hạ tầng thủy lợi nạo vét và đào mới kênh chiều dài 27km, xây dựng mới 03 cống; hạ tầng điện trung thế và hạ thế chiều dài 35,5km; dự kiến kinh phí đầu tư 428 tỷ đồng.

         Tỉnh Sóc Trăng, đề xuất tiểu dự án: Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, công suất thiết kế: nâng diện tích hiện hữu lên 4.150 ha, sản lương nuôi thâm canh và bán thâm canh 27.3000 ha/năm; dự kiến kinh phí đầu tư 265 tỷ đồng;

         Tỉnh Bến Tre, đề xuất dự án: Sửa chữa nâng cấp cảng cá Bình Đại kết hợp khu neo tránh trú bão, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; công suất thiết kế: Mở rộng cầu tàu 600CV, chiều dài 150m; dự kiến kinh phí đầu tư 230 tỷ đồng; về lĩnh vực Sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đề xuất dự án: Đầu tư hạ tầng thiết yếu vùng nuôi tôm giống tập trung tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre; công suất thiết kế hạ tầng giao thông nâng cấp 6,87km đường; hạ tầng thủy lợi xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung công suất 250m3/ngày,đêm; dự kiến kinh phí đầu tư 278 tỷ đồng.

          Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Để có cơ sở sớm triển khai thực hiện các nội dung của dự án các đơn vị và địa phương cần tập trung vào các nội dung trọng tâm như sau:

         Một là: Trên cơ sở nội dung thiết kế về quy mô của dự án các địa phương cần rà soát lại về tính năng, công suất của các loại tàu đảm bảo khai thác hiệu quả tránh đầu tư không đúng mục tiêu gây lảng phí nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho dự án;

         Hai là: Các địa phương thường xuyên quan tâm đến chất lượng con giống trong và ngoài tỉnh, tránh tình trạng khi xảy ra dịch bệnh thủy sản gây chết hàng loạt nhưng không tìm ra nguyên nhân, nguồn giống lây bệnh từ đó làm ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả đầu tư;

        Ba là: Các địa phương như Sóc Trăng và Cần Thơ cần chú ý đến công tác quy hoạch, sử dụng đất: khi tiến hành mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản có phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương hay không; từ đó có kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin cơ chế tổ chức thực hiện.

 

                                                                               Lê Quang Răng

 Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới