Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
       Ngày 19 tháng 7 năm 2021, tại điểm cầu Hà Nội,Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với 63 tỉnh thành trên toàn quốc đóng góp xây dựng dự thảo Đề án Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cùng tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội còn có đại diện: Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kinh tế nông nghiệp Việt Nam, Tổng cục Thủy lợi, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam....; tại các điểm cầu Trà Vinh có: ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các đơn vị trực thuộc Sở: Chi cục Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối quốc gia nông thôn mới tỉnh Trà Vinh, Chi cục Thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Hội thảo trực tuyến tăng cường bảo vệ môi trường cung cấp nước sạch nông thôn 
 trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 tại điểm cầu Trà Vinh

 

         Báo cáo tại Hội thảo, Đại diện đơn vị tư vấn GS.TS Lê Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu lên tính cần thiết của Đề án: Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã đổi thay đáng kể; hệ thống hạ tầng nông thôn được hoàn thiện; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nhiều khu vực nông thôn được nâng cao rõ rệt; sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từng bước được coi trọng, góp phần tích cực vào việc nâng cao thu nhập cho dân cư nông thôn. Tại một số địa phương công tác bảo vệ môi trường đã dân được quan tâm và có chuyển biến; hệ thống cấp nước sạch đã được đầu tư và vận hành; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp; nghĩa trang được quy hoạch và quản lý theo quy hoạch; mạng lưới thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; bao bì thuốc bảo vệ thực vật được hình thành, nhiều tỉnh đã triển khai được việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình theo diện rộng, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao...

         Trên cơ sở phân tích nội dung Đề án, Hội thảo cũng nêu khái quát các nội dung liên quan để thảo luận đóng góp cho Đề án như sau:

         Tên Đề án: Tăng cường bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

         Mục tiêu của dự án:

         Mục tiêu chung: Xây dựng cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, nâng cao hiệu quả và chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

         Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2025: Về nước sạch 90% dân cư nông thôn ở các vùng có điều kiện kinh tế thuận lợi và 60% dân cư nông thôn ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn quốc gia; về thu gom và xử lý chất thải: 30% số khu vực nông thôn thực hiện phân loại tại nguồn, 80% được thu gom và xử lý, triển khai tối thiểu 14 mô hình tiêu biểu về xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện và liên huyện; về xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn: 30% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp có ít nhất 14 mô hình tiên tiến về xử lý nước thải sinh hoạt; về chất thải, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng dẫn tuần hoàn: 40% chất thải hữu cơ từ sản xuất nông nghiệp và phụ phẩm nông nghiệp được thu gom xử lý theo hướng kinh tế tuần hoàn, triển khai ít nhất 100 mô hình tiêu biểu về xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp ở các quy mô khác nhau; về quản lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật:70% bao gói thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, trong đó 50% võ bao bì được xử lý theo đúng quy định, giao địa phương chủ trì việc thu gom và xử lý võ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; về xử lý chất thải làng nghề truyền thống: 50% các làng nghề truyền thống được khuyến khích phát triển có hệ thống thu gom và xử lý chất thải đúng quy định; về cải tạo và xây dựng cảnh quan nông thôn: 100% các xã nông thôn mới nâng cao có cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp, ao hồ công cộng có diện tích 1.000m2 trở lên được cải tạo; 50% các xã nông thôn mới có cảnh quan Xanh- Sạch-Đẹp; có ít nhất 150 mô hình tiêu biểu để giới thiệu và nhân rộng.

         Phạm vi thực hiện Đề án.

         Phạm vi thời gian: Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

         Phạm vi không gian: Đề án được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc, ưu tiên thực hiện tại: Các huyện, tỉnh chưa hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; các địa bàn khó khăn, đặc thù về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cần có sự chỉ đạo và hỗ trợ quyết liệt từ Trung ương; Các huyện, tình đã hoàn thành tiêu chí môi trường được định hướng xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

         Nguồn vốn và cơ cấu vốn thực hiện dự án:

         Tổng kinh phí để thực hiện hoàn thành Đề án là: 4.000 tỷ đồng; trong đó:

         -Ngân sách Trung ương: 600 tỷ đồng (15%);

         -Ngân sách địa phương: 1.000 tỷ đồng (25%):

         -Vốn vay tín dụng: 1.000 tỷ đồng (25%), từ nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các khoản vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, Quỹ bảo vệ môi trường;...

         -Vốn huy động từ các nguồn lực xã hội hóa: 1.400 tỷ đồng (35% ), từ Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, hợp tác xã, cộng đồng dân cư...

         Kết luận tại Hội thảo ông Tiến, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng nông thôn mới khẳng định: Đề án có một nhiệm vụ rất quan trọng góp phần từng bước hạn chế khoảng cách giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực làng nghề truyền thống cũng được quan tâm và xác định đúng mức về tầm quan trọng; bên cạnh đó việc xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt và đặc biệt là chất lượng nước sạch sinh hoạt cũng được quan tâm đúng mức. Hy vọng rằng nếu Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo tiền đề quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn tiếp theo.

 

                                                                               Lê Quang Răng

                                                                   Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới