Bệnh Dịch tả heo Châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh
       Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, ngày 28/9/2021, bệnh Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, số heo mắc bệnh mắc bệnh 54 con, chết 07 con. Như vậy, đây là lần thứ hai trong năm 2021 bệnh DTHCP tái phát trên địa bàn tỉnh (lần đầu xảy ra vào tháng 1 tại huyện Châu Thành). Số heo mắc bệnh của cả hai đợt là 148 con, chết 14 con. Trước đó, năm 2019, lần đầu tiên bệnh DTHCP bùng phát trên đàn heo của tỉnh và kéo dài hơn 6 tháng. Trong đợt dịch này, ngân sách đã phải chi khoảng 139 tỷ đồng để tổ chức phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy.

         Dịch tả heo châu Phi (African Swine Fever - ASF) là bệnh xuất huyết lây lan rất nhanh ở heo. Tất cả heo ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Bệnh do vi rút thuộc nhóm Asfarviridae gây ra, triệu chứng và bệnh tích điển hình của heo mắc bệnh là sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết ở da và các cơ quan nội tạng, cuối cùng chết trong vòng 2-10 ngày, tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị bệnh DTHCP, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi phạm vi nhỏ và chưa lây lan.

Mối nguy chính gây lây nhiễm bệnh đối với heo nuôi (Nguồn: Cục Thú y, 2019)

         Đối với hộ chăn nuôi và cộng đồng, cần thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; Không vứt heo chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống,...), kết hợp với sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh vật, bổ sung vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng cho heo. Chủ động tiêm phòng các loại vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Dịch tả, Tai xanh, Lở mồm long móng,... nhằm góp phần ngăn ngừa dịch bệnh. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống chất lượng tốt. Không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua nấu chín. Khi phát hiện heo nghi hoặc nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.

Heo bị bệnh DTHCP tại xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè (Ảnh: Ngô Minh Phượng)

         Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức quan các hội, đoàn thể, qua các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh DTHCP và các giải pháp phòng, chống bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển heo và sản phẩm heo ra vào địa phương, nếu phát hiện trường hợp heo nghi hoặc mắc bệnh thì lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo quy định. Thống kê lại đàn heo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các cơ sở chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn, hướng dẫn khắc phục những bất cập (nếu có); chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, nhân lực, biện pháp tiêu hủy sẵn sàng cho công tác chống dịch một cách chủ động. 

Tiêu hủy heo bị bệnh DTHCP tại xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, sáng ngày 30/9/2021

         Đối với các địa phương đã xảy ra dịch, ngoài việc thực hiện những biện pháp như đối với các địa phương chưa xảy ra dịch, cần tiêu hủy toàn bộ heo mắc bệnh, heo chết, heo có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh DTHCP. Tổ chức các biện pháp chống dịch, tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có heo, sản phẩm heo buộc phải tiêu hủy,…

 

Nhật Hạnh

 Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới