Tổ chức Phát triển Hà Lan dự kiến triển khai Dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp” tại tỉnh Trà Vinh

         Trà Vinh có khoảng khoảng 136.000 hộ chăn nuôi, với tổng đàn trên 480.000 gia súc, 6,8 triệu gia cầm. Lượng chất thải từ chăn nuôi khoảng 1,5-2 triệu tấn/năm và được xử lý bằng các hình thức như: Phơi khô để bán (phân bò), nuôi cá (phân heo), làm phân bón cho cây trồng (phân gà), thải ra môi trường hoặc xây dựng hầm Biogas,...

         Từ năm 2007-2020, được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án và kết quả triển khai Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 13.000 công trình khí sinh học. Vì vậy, đã góp phần cải thiện môi trường chăn nuôi, môi trường sống người dân và xây dựng Nông thôn mới của các địa phương. 

Hầm Biogas xây dựng tại huyện Cầu Kè theo chính sách hỗ trợ tại
 Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ

         Đến nay, hầu hết các chương trình, dự án và Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã kết thúc hỗ trợ. Một số chính sách của tỉnh hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học còn hiệu lực (như, Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐNĐ ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025) thường lồng ghép chung với những chính sách hỗ trợ khác, không quy định thành một nội dung riêng để hỗ trợ. Theo phản ánh của địa phương, người chăn nuôi vẫn còn nhu cầu được hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học. Vì vậy, Dự án Khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp (Dự án BioLive) của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) “chuyên” về hỗ trợ xây dựng, lắp đặt công trình khí sinh học, nếu được triển khai trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi.

         Trong giai đoạn 2003-2020, SNV đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Dự án “Chương trình khi sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam”, đã có hơn 185.000 công trình khí sinh học được xây dựng, lắp đặt tại 55 tỉnh thành, phố, trong đó có tỉnh Trà Vinh từ 2007-2015, xây dựng, lắp đặt khoảng 2.500 công trình. Dự án đã thành công trong việc xây dựng thị trường khí sinh học cho ngành chăn nuôi, góp phần thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Dự án BioLive được xây dựng chính là nhằm nối tiếp thành tựu của Dự án “Chương trình khi sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam”. 

Ông Felix ter Heegde, Quản lý Chương trình năng lượng SNV,
 và bà Martine Jose Krabben (bìa trái), Giám đốc Phát triển dự án,
 làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh về Dự án BioLive

         Dự án BioLive sẽ gồm các hoạt động chính: Duy trì thị trường khí sinh học bền vững để phát triển chăn nuôi (Thiết lập hoạt động dự án theo cơ chế “Hỗ trợ tài chính dựa trên kết quả”; Hỗ trợ người dân trong việc xây dựng/lắp đặt và vận hành công trình sinh học theo cơ chế RBF – Tài chính dựa trên kết quả; Thiết lập quy trình kiểm tra thẩm định nhằm đảm bảo chất lượng công trình). Nâng cao năng lực về kỹ thuật và kinh doanh trong lĩnh vực khí sinh học (Nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong Dự án; Hỗ trợ hoạt động Nghiên cứu và Phát triển, áp dụng công nghệ và đổi mới trong lĩnh vực khí sinh học; Giới thiệu các mẫu công trình khí sinh học mới vào thị trường). Xây dựng cơ sở dữ liệu các công trình khí sinh học (Tập huấn cho cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh trong việc sử dụng phần mềm LogAlto trong việc thu thập dữ liệu; Cập nhật thông tin các công trình xây dựng Dự án BioLive, tổng hợp dữ liệu các công trình xây dựng trong dự án những năm trước; Bàn giao cho địa phương cơ sở dữ liệu công trình khí sinh học trên địa bàn tỉnh).

         Thời gian của Dự án là 05 năm, từ 2021-2025. Số công trình khí sinh học xây dựng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh mỗi năm dự kiến là 1.000 công trình. Trong 5 năm là 5.000 công trình, tuy nhiên, nếu thực tế nhu cầu và năng lực của tỉnh đạt được cao hơn thì được đầu tư theo thực tế.

         Để triển khai Dự án, SNV đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 19/4/2022. Qua trao đổi, thảo luận cho thấy, Trà Vinh có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai dự án, như: Tổng đàn gia súc tương đối lớn tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; có đội ngũ xây dựng, lắp đặt công trình khí sinh học được đào tạo; có cơ sở sản xuất công trình khí sinh học bằng vật liệu composite; và nhất là, Trà Vinh là một trong số ít tỉnh triển khai, thực hiện tốt chính sách hỗ xây dựng công trình khí sinh học theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, SNV và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng thống nhất hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho phép Dự án BioLive được triển khai trên địa bàn tỉnh.

         Dự án đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đóng góp cho lĩnh vực chăn nuôi phát thải thấp tại tỉnh Trà Vinh (và Việt Nam). Thúc đẩy và hỗ trợ thị trường khí sinh học bền vững để phát triển chăn nuôi. Nâng cao năng lực cho thợ xây, thợ lắp, phát triển công nghệ trong lĩnh vực khí sinh học. Hỗ trợ tỉnh Trà Vinh xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động kiểm kê khí nhà kính từ ngành chăn nuôi.

         Ngoài Dự án BioLive, trong năm 2022, dự kiến SNV còn triển khai Dự án “Đánh giá và thực hiện hoạt động cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường và thiết kế Chương trình phát triển cộng đồng tích hợp tại Trà Vinh”; Công ty cổ phần Orlar Việt Nam và SNV triển khai Dự án hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa lưới sử dụng công nghệ thâm canh theo chiều thẳng đứng.

Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới