Trà Vinh sau 03 năm triển khai Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ

         Cùng với cả nước, nông nghiệp hữu cơ tỉnh Trà Vinh đang từng bước hoàn thiện và phát triển. 03 năm qua, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về nông nghiệp hữu cơ và Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 chính thức có hiệu lực đã tạo nền tảng thúc đẩy, phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh đạt được một số kết quả khả quan.

Lãnh đạo UBND tỉnh tham dự Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP
 tại TP. HCM ngày 21/11/2022

 

         Trên cây dừa: Hiện có 4.938 ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn (Châu Âu - EU, Mỹ - USDA) chiếm 19,8% diện tích dừa của tỉnh. Trong đó có: 260 ha đạt 06 tiêu chuẩn (Châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật – JAS, Úc – ACO, Thụy Điển – KRAV và GlobalGAP); 30 ha đạt 03 tiêu chuẩn (EU, USDA, JAS) để sản xuất sản phẩm hữu cơ (mật hoa dừa hữu cơ, nước uống mật hoa dừa hữu cơ, đường mật hoa dừa hữu cơ, nước tương mật hoa dừa hữu cơ) xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ và Châu Âu. Hầu hết các diện tích này đã được liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm 10%-15%. 

Sản phẩm đặc sản Trà Vinh đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, USDA, JAS

 

          Trên cây lúa: Hiện có 200 ha đạt chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn EU- Châu Âu, USDA – Mỹ; 170 ha đã đạt chứng nhận EU, USDA, JAS-Nhật; 30 ha đạt chứng nhật ECO – CERT (Pháp); 20 ha đạt chứng nhận sản phẩm lúa/gạo hữu cơ theo TCVN.

          Trên lĩnh vực thủy sản: Đang thực hiện chứng nhận 500 ha nghêu đạt chuẩn ASC; 27 ha tôm – lúa (lúa đạt tiêu chuẩn EU, tôm đạt chứng nhận ASC); Đang thực hiện chứng nhận 1.500 ha tôm - rừng đạt tiêu chuẩn EU.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì trong quá trình triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Trà Vinh cũng như các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như sau:

(1) Để đáp ứng các yêu cầu về năng suất, sản lượng, hiện người dân vẫn giữ thói quen sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Đây là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ manh mún, nhỏ, lẻ, không tập trung nên chi phí đầu tư cao; việc chuyển đổi sản xuất gặp nhiều khó khăn do một số vùng sản xuất đã trải qua thời gian dài áp dụng phương pháp canh tác thâm canh dựa vào hóa học nên đất trồng, nguồn nước, hệ sinh thái bị suy giảm chất lượng, do đó cần có chính sách khuyến khích tổ chức thực hiện từng bước, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi áp dụng trên diện rộng.  

          (2) Chi phí đầu vào nhất là danh mục vật tư đầu vào (phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn để sản xuất, cũng như các loại thuốc BVTV), chưa được Bộ NN và PTNT quy định áp dụng và chưa có nhiều trên thị trường.

          (3) Chi phí chứng nhận hữu cơ còn khá cao (đối với các tiêu chuẩn nước ngoài) thời gian chứng nhận ngắn (12 tháng) nên các cơ sở/doanh nghiệp/nông hộ còn e ngại.

          Để thực thi Nghị định số 109/2018/NĐ-CP hiệu quả, phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, tỉnh cần nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả/nổi bật với cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có tính khả thi cao. Cần có quy hoạch vùng sản xuất, đối tượng cây, con là lợi thế áp dụng sản xuất hữu cơ. Cần được hỗ trợ đào tạo nâng cao về trình độ và cơ chế chuyển đổi phương thức canh tác theo các tiêu chuẩn GAP sang sản xuất hữu cơ. Cần có nhiều tổ chức kiểm tra/chứng nhận sản xuất hữu cơ do phần lớn việc chứng nhận hữu cơ phải thuê các tổ chức nước ngoài nên chi phí cao, khó thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ hoặc các nông hộ.

 

Ngọc Hà

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới