Chuyển đổi vật nuôi sau Dịch tả heo Châu Phi
Dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vaccine để phòng và cũng chưa có thuốc để điều trị. Việc khống chế và thanh toán bệnh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu phát hiện sớm, khoanh vùng dịch; kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, giết mổ sẽ giúp hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ khi phát dịch (tháng 6/2019) đến nay tỉnh Trà Vinh đã có trên 17.000 con heo mắc bệnh phải tiêu hủy.
          Bệnh DTHCP không lây sang người, nhưng hiện nay người tiêu dùng vẫn e ngại sử dụng thịt làm cho heo hơi bị rớt giá, người chăn nuôi heo “thua lỗ kép”. Dự báo của các cơ quan chuyên môn, có khả năng Việt Nam sẽ thiếu khoảng 500.000 tấn thịt heo vào cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán do DTHCP (trong đó có tỉnh Trà Vinh), đồng thời giá heo hơi sẽ tăng cao. Khi giá heo hơi tăng sẽ “kích thích” người chăn nuôi nhanh chóng tái đàn. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn cũng cho rằng diễn biến của DTHCP còn rất phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thực tế, nhiều địa phương dịch đã qua 30 ngày nhưng vẫn tái phát trở lại. Vì vậy, vận động người chăn nuôi nuôi không vội tái đàn heo là cần thiết.


Ông Huỳnh Minh Đằng (phải) nhận tiền hỗ trợ
 heo bị DTHCP phải tiêu hủy dự kiến sẽ chuyển sang nuôi gà

 

           Để bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt, da dạng hóa vật nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến cáo các địa phương và người chăn nuôi trên cơ sở thế mạnh của địa phương, thế mạnh của hộ chuyển hướng  sang nuôi các loại vật nuôi khác như bò, dê, gia cầm, thủy sản. Tuy nhiên, không nên phát triển ồ ạt, chạy theo phong trào dẫn đến tình trạng “sốt con giống” hoặc sản phẩm dư thừa làm “rớt giá”; cần tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị sẵn có từ chăn nuôi heo để giảm chi phí. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi - phòng, trừ dịch bệnh cho người dân khi chuyển sang nuôi những vật nuôi mới, nhất là chăn nuôi an toàn - truy xuất nguồn gốc; hướng dẫn người dân mua con giống tại những cơ sở cung cấp giống uy tín, chất lượng; kêu gọi các doanh nghiệp liên danh, liên kết thu mua sản phẩm; gắn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi của địa phương với tái cơ cấu ngành nông nghiệp,…
           Đối với những địa phương khó chuyển đổi sang vật nuôi khác, thì cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về AN TOÀN SINH HỌC trong chăn nuôi heo để phòng, chống bệnh DTHCP theo Công văn số 5329/BNN-CN ngày 25/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đó là những yêu cầu về chuồng trại, con giống, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chăn nuôi, quản lý dịch bệnh,… đặc biệt thực hiện khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, vừa tận dụng được nguồn thức ăn địa phương vừa tăng cường sức đề kháng cho heo giúp công tác phòng, chống bệnh DTHCP được tốt hơn.


Công Khanh
(Trạm CN&TY TX Duyên Hải)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới