Điều kiện xã hội hóa đăng kiểm tàu cá
Đăng kiểm tàu cá là hoạt động quản lý kỹ thuật tàu cá, thẩm định hồ sơ thiết kế và thực hiện giám sát an toàn kỹ thuật trong đóng mới, cải hoán, hàng năm, trên đà, định kỳ, bất thường, sửa chữa phục hồi tàu cá, nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật cho tàu hoạt động trong điều kiện nhất định. Thời gian qua hoạt động đăng kiểm tàu cá chỉ duy nhất do cơ quan, đơn vị sự nghiệp công của Nhà nước quản lý thực hiện, hoạt động này đã góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; tuy nhiên bên cạnh cái được thì hoạt động đăng kiểm tàu cá còn bộc lộ những hạn chế nhất định, nhất là về con người, nhưng quan trọng hơn tất cả đó là bộ máy chưa đồng bộ, chồng chéo, tiêu tốn nhiều biên chế và kinh phí hoạt động, trong khi hiệu quả còn khiêm tốn.


Tàu cá xa bờ, đối tượng phải đăng kiểm

 

          Theo Luật Thủy sản năm 2003, cơ quan được giao nhiệm vụ đăng kiểm tàu cá chỉ thuộc nội bộ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng với Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, hoạt động đăng kiểm tàu cá ngoài cơ quan, đơn vị của Nhà nước còn cho phép tư nhân được tham gia nếu có đủ điều kiện, cụ thể, tại các Điều 68, 69 và Điều 70 của Luật Thủy sản năm 2017 đã nhấn mạnh việc xã hội hóa đăng kiểm tàu cá. Mục tiêu xã hội hóa hoạt động đăng kiểm tàu cá là làm sao tranh thủ được các nguồn lực của xã hội, thu hút được các lực lượng tham gia, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và sự thông thoáng trong hoạt động đăng kiểm tàu cá, từng bước xây dựng và tiến tới nghề cá hiện đại.
          Để thành lập cơ sở đăng kiểm tàu cá, ngày 08 tháng 3 năm 2019, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 26/2019/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản; tại Điều 56, Nghị định số 26/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể điều kiện cơ sở đăng kiểm tàu cá như sau:
         1. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I:
         a) Được cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập (đối với trường hợp là cơ sở đăng kiểm công lập) hoặc được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã; cơ sở đăng kiểm tàu cá phải độc lập về pháp lý, độc lập về tài chính với tổ chức, cá nhân kinh doanh tàu cá, đóng mới, cải hoán tàu cá, thiết kế tàu cá;
        b) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu: Có thiết bị nhập và lưu trữ dữ liệu; có thiết bị được kết nối mạng và truyền dữ liệu với các cơ quan liên quan về hoạt động đăng kiểm tàu cá của cơ sở; có dụng cụ, trang thiết bị phục vụ kiểm tra kỹ thuật theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này;
       c) Có đăng kiểm viên trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, có ít nhất 01 đăng kiểm viên hạng I và 02 đăng kiểm viên hạng II;
      d) Thiết lập và duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương.

 

 Giám sát đóng mới tàu cá vỏ gỗ

 

        2. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II:
        a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, b, d khoản 1 Điều này;
        b) Đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, có ít nhất 02 đăng kiểm viên hạng II.
        3. Đối với cơ sở đăng kiểm tàu cá loại III:
        a) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này;
        b) Đăng kiểm viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kỹ thuật liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, khai thác thủy sản; trong đó, tối thiểu 01 đăng kiểm viên hạng II;
        c) Có quy trình kiểm tra, giám sát kỹ thuật tàu cá phù hợp với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu cá.
        4. Các cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I và loại II được phép thành lập các chi nhánh trực thuộc gần với nơi neo đậu tàu cá hoặc gần các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, mỗi chi nhánh phải đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và bảo đảm đăng kiểm viên có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành liên quan: vỏ tàu thủy, máy tàu thủy, điện, cơ khí tàu thuyền hoặc khai thác thủy sản, nhiệt lạnh hoặc chế biến thủy sản; trong đó, tối thiểu 02 đăng kiểm viên hạng II trở lên đối với chi nhánh của cơ sở đăng kiểm tàu cá loại I và 01 đăng kiểm viên hạng II trở lên đối với chi nhánh của cơ sở đăng kiểm tàu cá loại II.
Nghị định số 26/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2019, đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta thực hiện Luật Thủy sản; hiện nay Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương VI khóa XII của Đảng khẳng định sự cần thiết xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, việc cho phép xã hội hóa đăng kiểm tàu cá theo Luật Thủy sản là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung nhằm huy động các nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ công, trong đó có hoạt động đăng kiểm tàu cá, góp phần phục vụ tốt khai thác hải sản và phát triển kinh tế./.

Văn Sang

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới