Luật Trồng trọt quy định xã hội hóa công tác sản xuất giống cây trồng
         Luật Trồng trọt được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có 7 Chương, 85 Điều. Phạm vi điều chỉnh của Luật Trồng trọt quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý Nhà nước về trồng trọt.
         Đặc thù sản xuất trồng trọt của nước ta còn ở mức quy mô nhỏ lẻ, việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lý một cách toàn diện theo hướng phù hợp với cơ chế định hướng thị trường, Luật Trồng trọt sẽ dần khắc phục được những hạn chế này, đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, chọn tạo, đầu tư nghiên cứu nhân rộng giống sản xuất theo cơ chế thị trường.
          Sau đây là một số nội dung (tóm lược) của Luật Trồng trọt.
          Chương I. Những quy định chung (Điều 1-9). Nguyên tắc hoạt động trồng trọt đó là: Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất có hợp đồng, sản xuất được chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân; Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp,... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt. Các hành vi bị nghiêm cấm, như: Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành; Canh tác gây hại cho cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người; gây ô nhiễm môi trường; suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học,…
           Chương II. Giống cây trồng (Điều 10-35). Chính phủ quy định chi tiết việc bảo tồn nguồn gen giống cây trồng và ban hành Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu. Điều kiện tự công bố lưu hành giống cây trồng bao gồm: Có tên giống cây trồng; Có giá trị canh tác, giá trị sử dụng đạt tiêu chuẩn; Có thông tin về giống cây trồng, quy trình sản xuất do tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành giống cây trồng biên soạn,... 
          Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải đáp ứng các điều kiện: Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành; Có hoặc thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp sản xuất; trường hợp không có tiêu chuẩn quốc gia thì áp dụng tiêu chuẩn cơ sở. Tổ chức, cá nhân buôn bán giống cây trồng phải có địa điểm giao dịch hợp pháp và bảo đảm truy xuất nguồn gốc.
          Tổ chức, cá nhân sử dụng giống cây trồng có quyền: Được cung cấp đầy đủ thông tin về giống và hướng dẫn sử dụng; Được bồi thường thiệt hại theo quy định; Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.                              

 Dừa giống (Ảnh: Trang Tửng)


           Chương III. Phân bón (Điều 36-54). Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón có quyền: Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng phân bón; Yêu cầu cơ sở mua bán phân bón hướng dẫn sử dụng theo đúng nội dung của nhãn phân bón; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
           Chương IV. Canh tác (Điều 55-74). Sử dụng tài nguyên trong canh tác cần tuân thủ: Sử dụng và bảo vệ đất; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; Bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước; Sử dụng nước tưới; Sử dụng sinh vật có ích. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch, đề án phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với quy hoạch. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Mã vùng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cấp. Trong canh tác có ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, canh tác hữu cơ (Chính phủ quy định chi tiết về canh tác hữu cơ), canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có quyền: Tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết sản xuất; Được hỗ trợ để khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Được đăng ký cấp mã số vùng trồng; Tham gia bảo hiểm nông nghiệp,…

 Sản xuất đậu phộng giống tại xã Hòa Lợi (Ảnh: Trang Tửng)


             Chương V. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm cây trồng (Điều 75-81). Tổ chức, cá nhân thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng có quyền: Được hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, thương mại sản phẩm cây trồng; Được hưởng chính sách theo quy định. Về nghĩa vụ bao gồm: Tuân thủ quy định của Luật Trồng trọt và quy định khác của pháp luật có liên quan; Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
            Chương VI. Quản lý Nhà nước về hoạt động trồng trọt (Điều 82-83). Gồm trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có trách nhiệm: Thực hiện nội dung, biện pháp quản lý trong hoạt động trồng trọt trên địa bàn; Quản lý theo phân cấp hoặc ủy quyền; Tổ chức, thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động trồng trọt trên địa bàn.
Chương VII. Điều khoản thi hành (Điều 84-85). Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trồng trọt có hiệu lực thi hành. Quy định về các nội dung chuyển tiếp giữa Pháp lệnh Giống cây trồng và Luật Trồng trọt.


Phòng Chính sách và thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới