Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi
              Ngày 15/11/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY về việc Ban hành Kế Hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi[1]. Nội dung của Kế hoạch gồm, thông tin tóm tắt về bệnh Dịch tả lợn/heo Châu Phi, tình hình dịch bệnh trên thế giới, căn cứ pháp lý để xây dựng Kế hoạch, mục tiêu, giải pháp và kế hoạch hành động…

            Mục tiêu chung của Kế hoạch, chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Về các giải pháp, đáng lưu ý đó là: Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của Dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.


Triệu chứng sung huyết, xuất huyết ở vùng da mỏng (như chóp tai) (Nguồn: http://hoichannuoi.vn/, ngày 22/11/2018)

           Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, mổ lợn, sản phẩm của lợn có trách nhiệm bố trí kinh phí để chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh là chính; thường xuyên thực hiện vệ sinh khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất đối với chuồng trại nuôi lợn, nơi buôn bán lợn, sản phẩm lợn, nơi giết mổ lợn và các dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch; xử lý, tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.

            Ngân sách địa phương, đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện, bao gồm: Chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn vào trong nước, giám sát, tập huấn, hội nghị, hội thảo, gửi mẫu xét nghiệm, thông tin tuyên truyền, chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ chủ lợn, sản phẩm của lợn, triển khai các biện pháp tại chợ lợn, sản phẩm của lợn, mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng và triển khai tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh và xử lý môi trường.


Hoại tử bề mặt da bụng ở lợn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (Nguồn: http://hoichannuoi.vn/, ngày 22/11/2018)

            Theo Kế hoạch, khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các tỉnh cần thực hiện một số nhiệm vụ (tóm lược): (1) Chủ động, tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. (2) Kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật; thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với bệnh; triển khai diễn tập ứng phó với các tình huống phát hiện bệnh tại địa phương. (3) Giám sát dịch bệnh đến tận ấp/khóm, nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; nếu phát hiện lợn có biểu hiện của bệnh phải báo cáo kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. (4) Triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. (5) Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. (6) Xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn”. (7) Thông tin trên các cơ quan truyền thông về nguy cơ bệnh. (8) Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, chuẩn bị kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện chống dịch. (9) Thống kê tổng đàn lợn để ứng phó kịp thời khi có dịch (10) Trong trường hợp chưa có bệnh nhưng nằm trong vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát thì thực hiện các biện pháp phòng, chống như ở địa phương đang có dịch…

            Khi phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, các tỉnh (tóm lược) cần tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch. Tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính, tổ chức chống dịch. Kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm lợn. Tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát. Báo cáo Cục Thú y theo đúng quy định. Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn, sản phẩm lợn buộc phải tiêu hủy. Lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân để xét nghiệm bệnh trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát…

            Trên cơ sở bản Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh xây dựng, phê duyệt Kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống; Huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh.

                                                                                                                                         Phòng Chính sách và thông tin

 


[1] Toàn bộ nội dung Kế hoạch được đăng tải tại: http://www.cucthuy.gov.vn/PublishingImages/Van%20ban%20CTY/Dich%20te/181115_Kehoach_DTLCP.pdf
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới