Một số chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

 Ngày 07 tháng 9 năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 10 năm 2018.
         Về cơ bản, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP (NĐ 116) vẫn giữ nguyên 7 lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (NĐ 55) gồm: (1). Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ. (2). Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn. (3). Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp. (4). Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn. (5). Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. (6). Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn. (7). Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.
          Tóm lược, một số nội dung sửa đổi của NĐ 116 so với NĐ 55 đó là:
          1. Thay đổi Điều 2 “Đối tượng áp dụng”
          Điểm a, khoản 2: ”Cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ trang trại”, không có cụm từ “hộ gia đình”, đồng thời thêm cụm từ “chủ trang trại”.
 Ý (i), điểm b, khoản 2: “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp”, không có cụm từ “Tổ hợp tác”
 Ý (ii), điểm b, khoản 2: Không có cụm từ “các cơ sở sản xuất thủy điện, nhiệt điện”, đồng thời thêm cụm từ “các đơn vị sản xuất điện”.
          Bổ sung thêm khoản 3 quy định về ủy quyền trong trường hợp “Hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn”.
          2. Thay đổi Điều 3 “Giải thích từ ngữ”
          Bổ sung thêm khoản 13 giải thích rõ thế nào là “Dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”.
          3. Thay đổi Điều 9 “Cơ chế bảo đảm tiền vay”
          Điểm a, khoản 2: “Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại điểm c khoản 2 Điều này)” (theo quy định trước khi sửa đổi, tối đa 50 triệu đồng).
          Điểm b, khoản 2: “Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn” (theo quy định trước khi sửa đổi, tối đa 100 triệu đồng).
          Bổ sung thêm khoản 4: “Các cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này không phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm”.
          3. Thay đổi Điều 11 “Thời hạn cho vay”
          Bổ sung thêm khoản 3: “Đối với các loại cây trồng lâu năm, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm”.
          4. Thay đổi Điều 12 “Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới”
          Đối tên Điều 12 “Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới” thành “Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khoanh nợ và cho vay mới” thêm cụm từ “khoanh nợ “
          Sửa đổi khoản 2 “Trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này”, bổ sung khoản 3, khoản 4 về “Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị khoanh nợ”.
          5. Thay đổi Điều 14 “Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết”
          Bãi bỏ điểm c khoản 3, xem xét “xóa nợ” khi “tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị vẫn gặp khó khăn trong việc trả nợ”.
          Bổ sung thêm khoản 4 về: “Quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp”.
          6. Thay đổi Điều 14 “Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”
          Sửa đổi khoản 1 về mức vay “không có tài sản bảo đảm”.
          Bổ sung sung khoản 2a điều kiện khi: “Doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” và mức vay “không có tài sản bảo đảm”.
          7. Một số nội dung khác về nhiệm vụ của các Bộ, các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức thực hiện Nghị định…


(Đính kèm Nghị định 116/2018/NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP)


Phòng Chính sách và thông tin

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới