Tập trung phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi

         Bệnh dịch tả lợn (heo) Châu Phi (tên tiếng Anh là African Swine Fever, viết tắt là ASF) là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã), bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Virus gây ra bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang virus trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Hiện nay, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngày từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.

         Bệnh xuất hiện đầu tiên tại Kenya vào năm 1921 sau đó trở thành dịch địa phương tại nhiều nước Châu Phi. Năm 1957, bệnh được phát hiện tại châu Âu, tiếp theo một số nước châu Mỹ và đến nay là dịch địa phương ở nhiều nước trên thế giới. Từ năm 2017 đến ngày 10/9/2018, bệnh có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số lợn bệnh 228.311 con, chết 20.633 con, số lợn có nguy cơ buộc phải tiêu hủy 562.761 con.

Bệnh dịch tả lợn Châu phi. Da có vệt xanh và xuất huyết từng mảng (Ảnh và chú thích: D. Herenda)

Thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 01/8/2018, bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc). Tổng số lợn bệnh 47 con, chết 47 con (tỷ lệ chết 100%) và toàn bộ 336 con lợn của đàn nhiễm bệnh bị tiêu hủy. Sau đó, 19.373 con lợn khác có nguy cơ cũng buộc phải tiêu hủy (không được phép giết mổ để tiêu thụ). Theo OIE và FAO, từ đầu tháng 8/2018 đến ngày 10/9/2018, có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh của Trung Quốc, số lợn buộc phải tiêu hủy hơn 38.000 con. Điều đáng lo ngại là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại Trung Quốc có chiều hướng lây lan dần về phía Nam (đến các tỉnh gần với biên giới Việt Nam).

Theo nhận định, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt là vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa virus bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

            Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

            Cụ thể, về phía các địa phương cần thực hiện: Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15/9 đến ngày 15/10/2018. Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;…). Trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh. Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có virus Dịch tả lợn Châu Phi. Khi phát hiện có bệnh phải báo cáo ngay cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; dừng việc vận chuyển và xử lý ngay lợn, sản phẩm của lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi đã xác định dương tính với bệnh theo đúng quy định của Luật thú y và các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thú y. Khẩn trương xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn” theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả…


Bệnh dịch tả lợn Châu phi. Xuất huyết điểm và xuất huyết thành vệt ở trong thận.
 
Lưu ý vùng xuất huyết ở bể thận và nhũ thận. (Ảnh và chú thích: D. Herenda)

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, chỉ có lấy mẫu xét nghiệm mới có thể xác định được chính xác lợn bị bệnh do virus dịch tả lợn châu Phi gây ra. Lợn bị nhiễm bệnh có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả lợn châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, mà cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm mới có thể phát hiện chính xác. Theo Cục Thú y, hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị, vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện biện pháp phòng bệnh là chính theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (như đã nêu trên) để bảo vệ an toàn cho đàn lợn của mình.

Văn Đoái

 

Nguồn tài liệu tham khảo, trích dẫn:

[1] Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

[2] Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

[3] Công văn số 2053/TY-DT ngày 30/8/2018 của Cục Thú y về việc chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

[4] D. Herenda và cộng sự. Cẩm nang về kiểm tra thịt tại lò mổ dùng cho các nước phát triển. NXB Bản Đồ. 3/2011. Tr. 163-165.

[5] Lê Bền. Khó chẩn đoán được dịch tả lợn châu Phi. http://channuoivietnam.com/kho-chan-doan-duoc-dich-ta-lon-chau-phi/, ngày 24/9/2018.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới