Tập huấn tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn cho cán bộ huyện, xã

          Trong tháng 8 và 9/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (AMD Trà Vinh) tổ chức 25 lớp tập huấn cho cán bộ tuyến huyện, xã về tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn. Các lớp tập huấn được thiết kế theo cụm (nhiều xã), mỗi lớp 50 học viên, giảng viên là cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kinh phí do AMD Trà Vinh tài trợ toàn bộ.
          Nội dung tập huấn gồm: Lý do tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Một số kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; Một số chính sách đang triển khai, thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Hình ảnh một lớp tập huấn

 

            Đến nay, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt một số kết quả như: Giá trị sản xuất toàn ngành (giá so sánh năm 2010) đạt 25.184 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2013-2017 là 1,45%, theo giá hiện hành đạt 35.528 tỷ đồng (tăng 4,62%/năm). Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt và chăn nuôi, tăng tỷ trọng thủy sản.
            Đã chuyển đổi được 12.402 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng, vật nuôi khác, cụ thể: Chuyển sang màu và cây hàng năm khác 8.242 ha, cây lâu năm 2.146 ha (trồng cây ăn trái 1.612 ha, trồng dừa 535 ha), kết hợp nuôi thủy sản 716 ha và chuyên nuôi thủy sản 1.298 ha. Hiệu quả của các loại hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa tăng từ 1,5 đến 4 lần so với chuyên trồng lúa, cơ cấu cây trồng từng bước có sự chuyển dịch phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương và thị trường tiêu thụ.

Nuôi tôm thâm canh công nghệ cao (Cầu Ngang)

 

           Tuy vậy, tái cơ nông nghiệp của tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Sản xuất có tăng nhưng chưa thật sự bền vững, sử dụng nhiều vật tư, việc bảo vệ môi trường trong sản xuất chưa được chú trọng đúng mức, chuỗi liên kết còn ít và chưa thật sự hiệu quả…
           Qua tập huấn lần này, giúp cho các cán bộ huyện, xã trong tỉnh hiểu thêm về tầm quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp cũng như những giải pháp cụ thể thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp tại từng địa phương theo 6 lĩnh vực: (1) Trồng trọt, (2) Chăn nuôi, (3) Thủy sản, (4) Lâm nghiệp, (5) Diêm nghiệp, (6) Phát triển chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới cùng với mô hình “mỗi xã một sản phẩm”.

 

Tin: Phòng Chính sách và thông tin
Ảnh: Trần Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới