Chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm

         Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình dịch bệnh động vật trên cạn có chiều hướng gia tăng. Nếu không có biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, sẽ có nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 5983/BNN-TY ngày 06/8/2018 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch.
         Cũng trong tháng 8/2018, Cục Thú y đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai nhiều hoạt động trong đó có hoạt động phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm và xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025.
          Bệnh Cúm gia cầm (Avian Influenza) là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do virus cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae, chứa ARN, có vỏ bọc bằng lipit. Trên vỏ bọc có hai loại kháng nguyên H (Hemagglutinin) và N (Neuraminidase). Kháng nguyên H có 16 subtype đánh số thứ tự từ H1 đến H16 và kháng nguyên N có 09 subtype được đánh số thứ tự từ N1 đến N9. Tùy theo chủng virus gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng virus đó. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng virus gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng virus cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người (virus cúm A/H7N9)[i].
          Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay nhiều tỉnh, thành phố xuất hiện cúm A/H1N1 trên người, như: Trà Vinh (2 người chết và 2 người mắc bệnh)[ii], Vĩnh Long, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh (mỗi nơi có 1 người chết), Cần Thơ, Vũng Tàu (mỗi nơi có 1 người mắc bệnh), Tiền Giang (3 người mắc bệnh)[iii].
          Cúm A/H1N1 có xảy ra trên gia cầm? Theo nghiên cứu của các chuyên gia Trường Đại học California, Los Angeles-UCLA và các cộng sự đã phát hiện trong một ngôi làng ở phía Bắc Cameroon (Châu Phi) khoảng 89% heo được nghiên cứu bị nhiễm virus H1N1[iv]. Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo việc virus Cúm A/H1N1 được phát hiện ở gà Tây tại Chile (Nam Mỹ) cho thấy khả năng virus Cúm A/H1N1 có thể kết hợp với virus Cúm gia cầm H5N1 để trở thành một chủng mới nguy hiểm hơn. Về mặt lý thuyết, virus Cúm A/H1N1 sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu kết hợp với virus Cúm gia cầm H5N1. FAO cho biết tại Đông Nam Á, khu vực vẫn thường xuyên bùng phát các ổ dịch Cúm gia cầm, sự xuất hiện của virus cúm A/H1N1 đang gây mối quan ngại lớn[v].


Gà Tây nuôi tại huyện Châu Thành và huyện Càng Long

 

            Cảnh báo của FAO là điều rất đáng quan tâm. Khác với Cúm A/H5N1 đã có vaccine phòng bệnh trên gia cầm và được tổ chức tiêm phòng hàng năm, về Cúm A/H1N1, hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chưa thấy lưu hành vaccine phòng bệnh Cúm A/H1N1cho heo, gia cầm và cũng chưa có quy trình tiêm phòng, phòng bệnh Cúm A/H1N1 cho động vật từ cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chưa có số liệu thống kê hàng năm về tổng đàn gà Tây (gà Lôi) nuôi tại tỉnh. Vì vậy, (nếu) xảy ra Cúm A/H1N1 ở gà Tây thì công tác phòng, chống sẽ gặp nhiều khó khăn.
          Về công tác phòng chống bệnh Cúm gia cầm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài công tác tiêm phòng vaccine thì thực hiện công tác giám sát gồm giám sát lâm sàng và giám sát virus. Trường hợp xảy ra dịch thì tiến hành tiêu hủy gia cầm mắc bệnh, tiến hành tiêu độc khử trùng vùng dịch…
          Ở người, Cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi, họng khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus[vi]. Người mắc bệnh nên đến các phòng khám để được tư, vấn, xét nghiệm để được điều trị, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, vệ sinh cá nhân hàng ngày, vệ sinh phòng ốc thông thoáng để hạn chế sự lây lan. Chủ động tiêm phòng vaccine để phòng bệnh[vii].
          Để phòng lây nhiễm mầm bệnh (Cúm A/H1N1) từ gia súc, gia cầm sang người, FAO khuyến cáo cần giám sát chặt chẽ hơn hoạt động chăn nuôi, thực hiện tốt các qui định, khoanh vùng và cách ly kịp thời khi gia súc, gia cầm có biểu hiện nhiễm bệnh[vi].

 

Văn Đoái

Nguồn:

[i] Phụ lục 09 Hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm (Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
[ii] Sở Y tế. Báo cáo số 230/BC-SYT ngày 18/7/2018 Báo cáo công tác y tế tháng 7 và kế hoạch công tác tháng 8 năm 2018 (Từ ngày 05/6/2018 đến ngày 04/7/2018); Khắc Phú. Tiểu Cần: Bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh ở người. 
http://www.travinh.gov.vn/wps/portal/soyte/!ut/p/c1/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gDIws_QzcPIwMDR18DA88gCz9PMyMfQ-8wM_1wkA4kFf5h7uYGngbmYY5mzj5GBj5mUHkcwNFA388jPzdVvyA7O83RUVERAMrpX10!/dl2/d1/L2dJQSEvUUt3QS9ZQnB3LzZfMDI4TjFGSDIwRzk5RjBJUk9IUjRKNzEyNzE!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/So%20Y%20Te/soyte/tin+tuc+hoat+dong/tinchuyennganh/tieu+can+ban+giai+phap+chong+dich, ngày 06/9/2018.
[iii] 
https://vov.vn/xa-hoi/, ngày 31/8/2018.
[iv] Phát hiện virus cúm H1N1 trên động vật. 
http://khoahoc.tv/phat-hien-virus-cum-h1n1-tren-dong-vat-35242, ngày 31/8/2018.
[v] Virus cúm H1N1 có nguy cơ kết hợp với cúm gia cầm . 
https://www.vietnamplus.vn/virus-cum-h1n1-co-nguy-co-ket-hop-voi-cum-gia-cam/16406.amp, ngày 31/8/2018.
[vi] Phòng chống dịch cúm A H1N1 và A/H3 bằng thuốc xịt khử trùng. 
http://moitruongdeal.vn/phong-chong-dich-cum-a-h1n1-va-ah3-bang-thuoc-xit-khu-trung-news17-36.html, ngày 31/8/2018.
[vii] Ba người nhiễm cúm A H1N1 ở Tiền Giang đã xuất viện. 
https://vov.vn/xa-hoi/ba-nguoi-nhiem-cum-a-h1n1-o-tien-giang-da-xuat-vien-770813.vov, ngày 31/8/2018.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới