Nhũng điều cần biết về quy định IUU của Liên minh châu Âu và thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam
Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam vì chưa tuân thủ các quy định của EU về IUU (IUU fishing là viết tắt của các chữ Illegal, Unreported, and Unregulated fishing, tạm dịch là đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý). Vậy ngư dân tỉnh Trà Vinh cần biết như thế nào về quy định IUU của EU và thẻ vàng có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động khai thác thủy sản của bà con ngư dân và hoạt động xuất khẩu hải sản của Việt Nam?


Ngư dân Trà Vinh cần tuân thủ đúng các quy định về bảo tồn
 và quản lý nguồn lợi trong khai thác thủy sản

 

Xưa nay, khi ra chợ mua cá, mọi người thường chỉ quan tâm xem cá đó có tươi ngon không, có chất bảo quản không, ăn vào có an toàn không, chứ chẳng mấy ai quan tâm đến việc cá đó được đánh bắt như thế nào. Nếu giả sử bằng một cách nào đó bạn biết con cá mình mua được khai thác trái phép thì bạn có mua không? Đa số trong chúng ta vẫn mua, và chúng ta nghĩ: “Nếu đánh bắt trái phép thì đó là trách nhiệm của người đánh bắt, của người quản lý, chứ không phải là của mình”. Thế nhưng, chính quyền các nước phát triển không nghĩ vậy. Ngoài việc trừng phạt những kẻ đánh bắt cá trái phép, người ta còn đặt ra quy định cấm buôn bán, vận chuyển và sử dụng những con cá đã được đánh bắt trái phép.

Để người mua cá biết một con cá được đánh bắt hợp pháp hay bất hợp pháp, quy định của EU về IUU quy định: Nhà cung cấp phải chứng minh điều đó bằng một cái giấy chứng nhận do Nhà nước cấp, rằng con cá đó được khai thác hợp pháp. Đương nhiên, Nhà nước không đi kiểm tra, đánh dấu từng con cá mà làm trên từng lô, từng doanh nghiệp và doanh nghiệp phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc (từ nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của các tàu cá). Nhà nước chỉ hậu kiểm và trừng phạt doanh nghiệp nào gian lận mà thôi. Nhưng nếu doanh nghiệp gian lận mà Nhà nước không phát hiện ra, hoặc phát hiện ra nhưng không xử lý thì khi cá được xuất sang các nước phát triển, họ sẽ kiểm tra lại một cách ngẫu nhiên. Nếu trong số bị kiểm tra lại đó, không phát hiện gian lận hoặc tỷ lệ gian lận rất thấp thì thôi. Nhưng nếu họ phát hiện nhiều gian lận thì có đủ cơ sở để kết luận rằng Nhà nước chúng ta đã không làm tròn trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc thủy sản hợp pháp. Lúc đó, họ sẽ không kiểm tra ngẫu nhiên nữa mà kiểm tra toàn bộ 100% lô hàng đến từ Việt Nam. Đó chính là lý do vì sao Việt Nam bị EU rút thẻ vàng cảnh cáo vì thủy sản đánh bắt IUU. Thẻ vàng là kiểm tra 100% lô hàng. Thẻ đỏ là cấm nhập khẩu luôn.

Trước đây, chúng ta nghĩ, cá được đánh bắt tại Việt Nam, nếu có đánh bắt IUU thì cũng chỉ liên quan đến khu vực biển Việt Nam, hà cớ gì mà EU lại phải đứng ra để bảo vệ biển Việt Nam? Làm như vậy có phải là EU đã áp dụng pháp luật ngoài lãnh thổ không? Ai cho phép EU áp dụng pháp luật của họ lên lãnh thổ của Việt Nam? Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép việc này, với lý do là đánh bắt cá IUU ở Việt Nam có ảnh hưởng đến môi trường của EU! Thứ nhất, con cá đó có thể sẽ bơi đến EU (ai mà biết được cá sẽ bơi đi đâu!). Thứ hai, hệ sinh thái biển là một thể thống nhất, một con cá ở biển Việt Nam cũng ảnh hưởng đến biển của EU… Quy định IUU khiến cho các nước đang phát triển thiệt hại hàng chục tỉ đô mỗi năm do tăng chi phí (phí kiểm tra toàn bộ 100% lô hàng), việc mất thị trường xuất khẩu (cấm nhập khẩu) vào các nước phát triển. Một phần trong số tiền này, đương nhiên sẽ chảy vào túi ngư dân tại các nước phát triển, nơi mà hệ thống chống đánh bắt IUU phát triển hơn. WTO cho phép sử dụng lý do môi trường làm ngoại lệ cho việc áp dụng biện pháp hạn chế thương mại, miễn là biện pháp này phải được áp dụng công bằng giữa các quốc gia, giữa trong nước và nước ngoài. Nói cách khác, quy định chống IUU đối với thủy sản Việt Nam thế nào, thì EU cũng phải áp dụng quy định tương tự với nước khác và với chính những con cá do ngư dân EU đánh bắt.

 

Quy định IUU của EU

Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nạn khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Để chống lại hoạt động khai thác này, Ủy ban Châu Âu (EC) đã ban hành quy định nhằm ngăn chặn, chống và loại bỏ các hoạt động khai thác IUU bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/10/2010.

Quy định này nhằm đảm bảo:

- Chỉ các sản phẩm hải sản được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia hoặc nước xuất khẩu chứng thực là hợp pháp mới được nhập khẩu vào hay xuất khẩu từ EU.

- Danh sách các tàu khai thác IUU sẽ được cập nhật thường xuyên, các tàu IUU này được xác định bởi Các tổ chức Quản lý Nghề cá khu vực (RFMOs).

- Quy định IUU cũng đưa ra khả năng các các nước trong danh sách đen có thể làm ngơ trước các hoạt động khai thác bất hợp pháp.

- Các công dân EU hoạt động khai thác hải sản trái phép tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, dưới bất kỳ lá cờ nào, đều phải đối mặt với các hình phạt đáng kể tương ứng với giá trị kinh tế của các sản phẩm đánh bắt của họ, làm mất đi lợi nhuận của họ.

Quy định IUU của EU áp dụng như thế nào?

Quy định IUU của EU áp dụng với tất cả các tàu khai thác cập cảng và chuyển tải của EU hay nước thứ 3 tại các cảng của EU và tất cả các sản phẩm hải sản được xuất nhập khẩu vào hay từ các nước EU. Quy định này nhằm đảm bảo không có sản phẩm khai thác nào bị đánh bắt bất hợp pháp xâm nhập được vào thị trường EU.

Để đạt được điều này, quy định này yêu cầu các nước sở tại phải xác nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của các hải sản, do đó đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản được giao thường từ hay vào EU. Các biện pháp này nhằm đảm bảo các nước phải tuân thủ các quy định về bảo tồn và quản lý nguồn lợi của mình cũng như các quy định quốc tế đã cam kết.

Khi nước cấp quốc tịch cho tàu không thể xác minh tính hợp pháp của các sản phẩm phù hợp với các quy định quốc tế, EC sẽ bắt đầu một quá trình hợp tác và hỗ trợ các nước này cải tiến khuôn khổ pháp lý và các hoạt động quản lý của mình. Các mốc quan trọng của tiến trình này là cảnh báo (giơ thẻ vàng), thẻ xanh sẽ được đưa ra nếu các vấn đề cảnh báo được giải quyết và ngược lại thẻ đỏ sẽ được ban hàng và kèm theo lệnh cấm giao dịch thương mại.

Ngoài quy trình chứng nhận, quy định này còn đưa ra hệ thống cảnh báo của EU nhằm chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chức năng của các nước thành viên EU về các trường hợp nghi ngờ về hoạt động khai thác bất hợp pháp

 

 

Tài liệu tham khảo

          1. Quy định của Liên minh Châu Âu (EC) số 1005/2008, ngày 29/09/2008 về thiết lập hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, và không theo quy định.

        2. Quy định chi tiết kỹ thuật EC số 1010/2009, ngày 22/10/2009 Ủy ban Châu Âu (EC) thực hiện Quy định IUU.

       3. Sổ tay hướng dẫn thực hành quy định IUU của EC.

     4. Hiểu thế nào về IUU và thẻ vàng dành cho hải sản từ EU - Tác giả Minh Đức -  sggponline@sgpp.org.vn

     5. Những điều cần biết về quy định IUU của EU - Tác giả Nguyễn Hà - vasep.com.vn 

Bài, ảnh: Thừa Thịnh

Chi cục Thủy sản Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới