Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Cần tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò

Năm 2017 là năm thứ hai tỉnh Trà Vinh triển khai và thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định 50). Riêng về chính sách hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò, năm 2016 toàn tỉnh đạt 971 liều, năm 2017 (số liệu chưa đầy đủ) đạt 1.953 liều tăng 982 liều so với năm 2016, kết quả này còn khá khiêm tốn so với tổng đàn bò của tỉnh.

Theo Cục Thống kê Trà Vinh (thời điểm 01/10/2017) toàn tỉnh có 208.723 con bò, tốc độ phát triển đàn bò bình quân năm năm (2013-2017) đạt 12,27%.

Chăn nuôi bò của tỉnh 100% hộ cá thể, hầu hết quy mô nhỏ lẻ, đủ điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò theo Quyết định 50. Tuy chưa có số liệu điều tra hay thống kê chính thức, nhưng ước tính số bò cái của tỉnh có khoảng trên 100.000 con. Qua nhiều năm phát triển dịch vụ phối giống nhân tạo, hiện tại, tỉnh có 5 cửa hàng phân phối tinh bò; số dẫn tinh viên đã qua đào tạo tham gia Quyết định 50 là 119 người phân bố đều khắp các địa phương trong tỉnh, chưa tính hai năm 2016-2017, Quyết định 50 hỗ trợ đào tạo thêm 28 dẫn tinh viên, trang bị thêm 49 bình Nitơ.

Các số liệu trên cho thấy hoạt động phối giống nhân tạo cho bò trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi, người chăn nuôi bò đã quen và dễ dàng tiếp cận với dịch vụ phối giống nhân tạo cho bò. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra vì sao tỷ lệ phối giống nhân tạo cho bò theo Quyết định 50 vẫn chưa đạt cao.

Dụng cụ hành nghề phối giống nhân tạo cho bò (Ảnh: Nguyễn Minh Hậu)

Xin dẫn các ý kiến tại Hội nghị Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành nông nghiệp năm 2017 của huyện Cầu Ngang, các đại biểu cho rằng dẫn tinh viên không “mặn mà” phối giống nhân tạo cho bò theo Quyết định 50 do dẫn tinh viên thích nhận “tiền tươi” hơn, tức là thích nhận tiền trực tiếp từ hộ chăn nuôi thay vì phải làm thủ tục để thanh quyết toán (tiền hỗ trợ mua tinh bò, tiền hỗ trợ mua Nitơ lỏng…-NV) với cơ quan chức năng. Về phía hộ chăn nuôi, thường mang tâm lý ngại ký giấy tờ (thủ tục để dẫn tinh viên thanh quyết toán-NV). Một điểm rất đáng lưu ý, nếu dẫn tinh viên không phải “mối quen” cũng khó hoạt động vì hộ không tin tưởng vào “tay nghề”, một số xã tổ chức họp dân để giới dẫn tinh viên mới nhưng hộ vẫn không hợp tác.

Theo ông Nguyễn Đức Mậu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho rằng yếu tố chính dẫn đến nguyên nhân huyện chưa tận dụng được các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp trên địa bàn huyện Cầu Ngang (trong đó có chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định 50) đó là công tác tuyên truyền. Cụ thể, nhiều xã thiếu quan tâm, chưa làm tốt công tác tuyên truyền hoặc tuyên truyền thiếu trọng tâm, thiếu trọng điểm; tuyên truyền chưa đúng đối tượng; cách thức tuyên thiếu hấp dẫn, nội dung chưa bám sát thực tế địa phương.

Do vậy, trong thời gian tới để chính sách hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò đạt hiệu quả cao cần phải đổi mới về cách thức, nội dung tuyên truyền. Cụ thể, công tác tuyên truyền nên tập trung nhiều hơn cho đối tượng là dẫn tinh viên vì dẫn tinh viên là đối tượng trực tiếp, hay nói cách khác đóng vai trò quyết định trong việc thành công của chính sách hỗ trợ phối giống nhân tạo bò; dẫn tinh viên thường xuyên tiếp xúc hộ chăn nuôi, dễ dàng “có tiếng nói” tác động và giải thích cho hộ chăn nuôi hiểu về chính sách hỗ trợ; khi đã được dẫn tinh viên cũ giới thiệu thì dẫn tinh viên mới dễ dàng tiếp cận hộ chăn nuôi hơn.

Dẫn tinh viên thao tác phối giống nhân tạo cho bò (Ảnh: Trần Văn Đoái)

Tóm lại, tỉnh Trà Vinh có cơ sở vật chất hỗ trợ phối giống nhân tạo cho bò, có số lượng dẫn tinh viên đông đảo, đã qua đào tạo, phân bố rộng khắp các địa phương, nếu mỗi dẫn tinh viên trở thành một tuyên truyền viên thì tin chắc rằng chính sách hỗ trợ phối giống nhân tạo của Quyết định 50 sẽ thành công.

Bài: Trần Văn Đoái

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới