Tỉnh hình sản xuất nông nghiệp an toàn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp phát triển trong thời gian tới
Theo Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ: “Sản phẩm an toàn là sản phẩm nông lâm thủy sản được đánh giá, chứng nhận, công bố là sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật hoặc với VietGAP. Sản phẩm nông nghiệp an toàn cơ thể được hiểu một cách ngắn gọn là sản phẩm phải đáp ứng tối thiểu 03 yếu tố cơ bản: (1) Không gây hại cho sức khỏe cho người tiêu dùng, (2) An toàn về vệ sinh thực phẩm và (3) Truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Về tình hình sản xuất nông nghiệp an toàn

Tính đến năm 2017, toàn tỉnh đã có 161,27 ha lúa hữu cơ với 173 hộ tham gia tại 2 xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thànhsản lượng đạt khoảng 588 tấn/năm và 100 ha lúa ở xã Châu Điền, huyện Cầu Kè đã được chứng nhận VietGAP. Về rau màu: toàn tỉnh có 272 Tổ hợp tác và 01 Hợp tác xã trồng màu, trong đó có 25 Tổ hợp tác trồng rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, 01 HTX Nông nghiệp và 01 Công ty SXKD rau an toàn được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 142,73 ha với khoảng 500 hộ tham gia. Về cây ăn quả: Sản phẩm được chứng nhận VietGAP gồm 26 ha thanh long ruột đỏ của HTX Thanh Long ruột đỏ Đức Mỹ-huyện Càng Long, 53 ha cam sành của các THT cam sành ấp Giồng Dầu - Hòa Ân, THT cam sành ấp Rạch Nghệ-Thông Hòa và THT cam sành Cửu Long Giang ấp Sơn Trắng-Nhị Long Phú; ngoài ra có diện tích 24 ha xoài cát Hòa Lộc của Công ty TNHH Minh Trân, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã được chứng nhận GlobleGAP. Về thủy sản: Trước đây có 55.42 ha mặt nước nuôi cá tra đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tập trung chủ yếu ở ấp Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, ấp Cồn Cò xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, ấp Hòa Thành, huyện Tiểu Cần. Tuy nhiên đến nay không còn duy trì do tình trạng cá rớt giá, các đơn vị nuôi không tiếp tục đầu tư. Nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng có diện tích khoảng 5.700ha, tập trung tại 04 xã ven biển: Đông Hải, Hiệp Thạnh, Long Khánh, Long Vĩnh huyện Duyên Hải. Ngoài ra có khoảng 35ha diện tích nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học tập trung tại một số hộ nuôi thuộc các xã Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Đôn Xuân, Long Hữu.

        

Các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, gồm: Quýt đường (HTX sản xuất Quýt đường Thuận Phú, ấp Long Trị- Bình Phú, diện tích 30ha), cam sành (THT cam sành ấp Giồng dầu - Hòa Ân, diện tích 15ha; THT cam sành ấp Rạch Nghệ - Thông Hòa, diện tích 15ha, THT cam sành Cửu Long Giang ấp Sơn Trắng- Nhị Long Phú, diện tích 23ha), xoài Châu Nghệ (THT sản xuất Xoài Châu Nghệ Nhị Long Phú, diện tích 11ha), chôm chôm (THT sản xuất chôm chôm ấp Tân Qui II-An Phú Tân, diện tích 22ha), măng cụt (HTX sản xuất măng cụt Tân Thành An Phú Tân, diện tích 23ha).

          

Định hướng và đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới

Ngày 23/01/2017, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về Phát triển nông nghiệp  ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nghị quyết định hướng các mục tiêu: Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh từ 300 ha trở lên. Quy hoạch vùng trồng lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế diện tích 1.000 ha. Toàn tỉnh có ít nhất 5% diện tích sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các cây, con chủ lực của tỉnh: lúa chất lượng cao, rau màu, heo, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng đáp ứng cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao cho các khâu sản xuất, chế biến xuất khẩu. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.  Hoàn chỉnh mô hình thực nghiệm ứng dụng công nghệ cao cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cây ăn trái. Cơ bản thiết lập được chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực. Tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông, lâm, thủy sản và khả năng thích ứng của cây trồng, vật nuôi (bao gồm cả thủy sản) với điều kiện biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, đưa năng suất các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế của tỉnh đến năm 2025 tăng tối thiểu 15%; tăng giá trị thu nhập trên 01 ha diện tích đất canh tác cùng nhóm sản phẩm từ 50% trở lên so với sản xuất bên ngoài trong cùng thời điểm nhằm tạo nền tảng và đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

2. Đề xuất các giải pháp

          Sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới và là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng: “Nâng cao giá trị gia tăng và Phát triển bền vững”. Để thực hiện tốt vấn đề nêu trên, xin đề xuất một số giải pháp trọng tâm sau đây:

- Thứ nhất: Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có liên quan đến sản xuất nông nghiệp an toàn để các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh nắm bắt, tham gia thực hiện. 03 chính sách lớn cần tập trung tuyên truyền gồm: Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 28/2015/QĐ-UBND ngày 09/11/2015 Quy định về chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 – 2020 và Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 Về một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2020.

- Thứ hai: UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan tổ chức tọa đàm, liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho nông dân; Tổ chức các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm an toàn, đồng thời hướng dẫn và quản lý chặt việc truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; Phối hợp với ngành y tế giám sát thực phẩm đầu vào các bếp ăn tập thể, nhà hàng… để kích cầu tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh.

- Thứ ba: Ngành Nông nghiệp sắp xếp lại sản xuất: thực hiện quy hoạch các làng nghề, vùng sản xuất tập trung; xây dựng và tổ chức thực hiện các chuỗi liên kết bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Thứ tư: Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho các tổ hợp tác/HTX và cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh về quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.

- Thứ năm: Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn sản xuất rau an toàn, liên kết các công ty trong cung cấp vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho nông dân.

- Thứ sáu: Các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra giám sát: Kiểm tra tình hình kinh doanh phân bón, thuốc BVTV của các đại lý cung cấp cho vùng trồng rau an toàn; kiểm tra việc duy trì thực hiện các tiêu chí về sản xuất thực phẩm an toàn (tình hình sử dụng phân, thuốc BVTV trong lĩnh vực trồng trọt; tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các chất phụ gia, phẩm màu trong sơ chế, chế biên) để kịp thời góp ý, chấn chỉnh; đồng thời thưòng xuyên lấy mẫu phân tích giám sát an toàn thực phẩm. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNVPTNT và các Quy định khác của Pháp luật về an toàn thực phẩm.

                                                                                                                      Duy Phúc

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới