Đề xuất một số giải pháp về thức ăn nuôi bò
Theo website http://channuoivietnam.com/, năm 2016, so với các tinh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tổng đàn bò của tỉnh Trà Vinh chỉ đứng thứ hai sau tỉnh Bến Tre. Số liệu của Cục Thống kê Trà Vinh tại thời điểm 01/10/2017, toàn tỉnh có 208.723 con bò, chủ yếu là bò thịt, tỷ lệ bò lai ngoại đạt trên 95,36% tổng đàn. Từ năm 2013-2017, tốc độ tăng bình quân của đàn bò đạt 12,47%/năm (Biểu đồ), 2017/2013 tăng 77.333 con hay 58,86%.


Biểu đồ: Biến động đàn bò từ năm 2013-2017

 

Về số hộ nuôi bò, toàn tỉnh có khoảng 43.500 hộ, trong đó: 75% hộ nuôi nhốt hoàn toàn, 22% hộ kết hợp 2 phương thức nuôi nhốt và chăn thả, 3% hộ còn lại nuôi thả lan tận dụng thức ăn tự nhiên. Tuy nhiên, chỉ khoảng 50% số hộ nuôi bò có trồng cỏ với diện tích khoảng 3.200 ha, năng suất khoảng 220 ngàn tấn/năm. Có một thực tế ít người nghĩ tới, người nuôi bò tỉnh Trà Vinh đang phải đối mặt với một khó khăn mới đó là nguồn thức ăn nuôi bò. Nếu như cách đây một vài năm rơm, cỏ thường được cho không thì nay rơm được dùng để bán, cỏ mọc ở bờ ruộng của ai thì người đó cắt. Hàng năm, nguồn phụ phẩm nông nghiệp của tỉnh có được khoảng 1 triệu tấn rơm, 500 ngàn tấn từ mía (lá mía, ngọn mía, bã mía, rỉ mật đường); 10 ngàn tấn thân đậu phọng; trên 15 ngàn tấn thân, lá bắp; cỏ tự nhiên trên 300 ngàn tấn. Như vậy, tổng cộng các nguồn thức ăn cho nuôi bò của tỉnh khoảng 2,05 triệu tấn.

          Theo ước tính, năm 2017 đàn bò của tỉnh cần trên 2,4 triệu tấn thức ăn, có nghĩa là đã thiếu trên 350 ngàn tấn. Chưa kể 1 triệu tấn rơm trong 2,05 triệu tấn thức ăn, thì không phải đàn bò Trà Vinh được “toàn quyền” sử dụng hết mà còn phải “chia sẻ” cho đàn bò của các tỉnh khác hoặc sử dụng để trồng nấm rơm, nuôi dê… hoặc tất cả nguồn phụ phẩm nông nghiệp đều được thu gom hết.

           Điều này lý giải vì sao, mặc dù tỉnh Trà Vinh vừa thu hoạch xong vụ lúa Thu-Đông nhưng nhiều nơi người nuôi bò đã phải mua rơm với giá cao. Tại xã Bình Phú (huyện Càng Long), người nuôi bò cho biết một công rơm nếu không thuận đường vận chuyển thì giá bán từ 100.000-200.000 đồng/công, nhưng nếu thuận đường vận chuyển thì giá sẽ là 300.000-400.000 đồng/công. Còn nếu mua rơm cuộn sẵn (trọng lượng 11-13 kg/cuộn) giá dao động 28.000-29.000 đồng/cuộn, tương đương 2.200-2.600 đồng/kg bằng mức giá vào thời điểm năm 2016 khi tỉnh Trà Vinh bị thiên tai dịch bệnh làm cho 20.268 ha lúa bị thiệt hại dẫn đến nguồn rơm khan hiếm. Dự báo, giá rơm sẽ tiếp tục tăng. Tại xã Lương Hòa A (huyện Châu Thành), người dân cho biết giá thuê thu hoạch lúa là 300.000 đồng/công, nhưng nếu chủ ruộng không thu gom rơm thì sẽ không phải trả tiền công mà còn được chủ máy cắt lúa…“thối” lại 50.000 đồng/công! Hiện tại, nếu người dân tại xã muốn mua rơm sẽ phải trả với mức giá 30.000 đồng/cuộn.  

            Trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều điểm kinh doanh rơm. Đối với cỏ, nếu như trước đây việc “mua-bán cỏ” ở thành phố Hồ Chí Minh hay tỉnh Sóc Trăng được xem là “chuyện lạ”, thì trên địa bàn Trà Vinh cũng đã xuất hiện, vào thời điểm khan hiếm, cỏ được bán với giá 700-800 đồng/kg.

Bảng quảng cáo bán rơm tại Long Đức (thành phố Trà Vinh) và một vựa mua bán rơm tại xã Hùng Hòa (huyện Tiểu Cần)

          Với mục tiêu phát triển đến năm 2020 đàn bò của tỉnh có 244.500 con và đến năm 2030 là 350.000 con, nếu không có giải pháp về thức ăn thì đây sẽ là một thách thức không nhỏ. Để giải quyết “bài toán khó” về thức ăn nuôi bò, xin đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần tăng năng suất cỏ trồng. Theo khảo sát, với năng suất cỏ khoảng 70 tấn/ha/năm là quá thấp. Để tăng năng suất có thể cải tiến phương pháp trồng và giống cỏ. Về phương pháp trồng, người dân thường tận dụng đất bờ kênh, bờ mương, đất ven lộ… để trồng cỏ; việc bón phân, chăm sóc chưa được chú ý dẫn đến năng suất không cao. Về giống cỏ, hầu hết là các giống địa phương hoặc giống ngoại trồng lâu ngày năng suất thấp. Cỏ như Ruzi, cỏ Sả hay cỏ Voi nếu trồng đúng quy cách, chăm sóc tốt có thể đạt 250-300 tấn/ha/năm, thậm chí giống cỏ Voi mới năng suất đạt tới 500 tấn/ha/năm.

Thứ hai, cần mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa hoặc trồng màu kém hiệu quả sang trồng cỏ để tăng diện tích, tăng sản lượng cỏ. Xây dựng những mô hình trồng thử nghiệm các giống cỏ mới để phố biến, nhân rộng thay thế dần những giống cỏ cho năng suất thấp, tránh để người dân “tự bơi”.

Thứ ba, tăng cường khâu chế biến (như ủ urê, ủ chua…), sử dụng thực liệu mới phối trộn làm thức ăn nuôi bò, giảm áp lực về rơm, cỏ. Thực tế, một số nơi, người nuôi bò không sử dụng rơm mà sử dụng thân cây bắp không thu hoạch trái và cỏ Voi trộn rỉ mật đường, thức ăn hỗn hợp hoặc sử dụng bột lá khoai mì khô trộn vào thức ăn hay ủ chua thân cây khoai mì như một nguồn thức ăn nuôi bò.

Thứ tư, người nuôi cần cải tiến quy trình chăm sóc nuôi dưỡng bò, nhất là cách thức cho ăn, số lần cho ăn và cho ăn theo giai đoạn tăng trưởng của bò. Phổ biến hiện nay là ít có người nuôi cắt ngắn cỏ trước khi cho bò ăn, vì vậy bò thường chọn ăn phần non, mềm còn phần cứng, già thì chừa lại. Hoặc một lần cho ăn quá nhiều thức ăn làm cho bò không ăn hết nên bị hư. Hoặc chuồng trại, khu vực nuôi thiết kế máng ăn không hợp lý thức ăn bị rơi vãi bị bò giẫm đạp rất lãng phí.

          Và cuối cùng, bên cạnh việc quy hoạch vùng nuôi bò cần có quy hoạch đất trồng cỏ. Đối với các trang trại nuôi bò tập trung cần có phương án về đảm bảo thức ăn cho bò cụ thể. Những dự án giao bò cho hộ nghèo nuôi cũng cần tính đến giải pháp thức ăn cho bò trước khi triển khai thực hiện./.

                                                                                                                                                                     Văn Đoái

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới