Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tháng cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ tháng 1-10/2017, cả nước đã phát hiện 83 hộ chăn nuôi ở 40 xã thuộc 21 tỉnh, thành phố có gia cầm mắc bệnh cúm với 73.835 con gia cầm bị mắc bệnh và tiêu hủy; 6 xã thuộc 3 tỉnh có gia súc bị bệnh Lở mồm long móng gồm 924 gia súc mặc bệnh, tiêu hủy 8 con; đối với bệnh Tai xanh trên lợn (heo) không xuất hiện ổ dịch nào. Riêng Cục Thú y cho biết, thời điểm hiện nay (ngày 29/11/2017), mặc dù trên địa bàn cả nước không có dịch Cúm gia cầm, dịch Tai xanh trên heo, nhưng vẫn còn 3 tỉnh với 7 ổ dịch Lở mồm long móng gia súc chưa qua 21 ngày (Thông tin dịch bệnh - Cục Thú y).

Về nhận định tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm có chiều hướng giảm so với năm 2016, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh động vật tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao. Nguyên nhân, do sự biến đổi bất lợi của thời tiết ngày càng phức tạp, lũ lụt kéo dài, sự lưu hành mầm bệnh tại khu vực có ổ dịch cũ... Cụ thể hơn, Cục Thú y dự báo, một số chủng vi rút Cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có thể xâm nhập thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu; bệnh Lở mồm long móng tái phát ở các ổ dịch cũ và những nơi đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc; bệnh Tai xanh trên heo, có thể xuất hiện nhỏ lẻ ở tại các ổ dịch cũ… 

Tại tỉnh Trà Vinh, trong năm 2017, dịch bệnh gia súc, gia cầm nhìn chung tương đối ổn định, một số trường hợp nghi (hoặc mắc) bệnh Lở mồm long móng, Cúm gia cầm đều được khống chế kịp thời và sau nhiều năm, chưa ghi nhận bệnh Tai xanh trên heo tái phát trở lại.

Thông thường, ở những tháng cuối năm cũ, đầu năm mới nhiệt độ không khí giảm làm cho sức đề kháng của vật nuôi kém, cùng với các hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh để phục vụ cho các kỳ lễ, tết là điều kiện thuận tiện cho các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan trên đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, giá thu mua sản phẩm chăn nuôi năm 2017 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh diễn biến phức tạp: Giá bò thịt hơi rẻ, giá heo hơi sau thời gian dài giảm sâu, bất ngờ tăng trở lại sau đó lại tiếp tục giảm khiến cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, dẫn đến người chăn nuôi không quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với vịt, Trà Vinh đang thời kỳ thu hoạch lúa vịt chạy đồng về nhiều. Ở gà, đầu năm giá thấp và rất khó bán, những tháng cuối năm giá “đảo ngược” tăng mạnh, người chăn nuôi có thể lại tăng đàn… vì vậy nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong thời gian tới là rất lớn.

Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh động vật

 

           Về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Thú y, các địa phương cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2018 theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm; kiểm soát chặt việc vận chuyển, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch, quản lý giết mổ để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch; tăng cường giám sát địa bàn, chủ động ngăn chặn phát hiện sớm ổ dịch và xử lý ổ dịch kịp thời, tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định. Về vắc xin, căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 2151/TY-DT ngày 24/10/2016); thông báo lưu hành vi rút Lở mồm long móng và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (công văn số 2168 /TY-DT ngày 05/10/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

 

Tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

           

             Ngoài việc thực hiện những biện pháp chỉ đạo trên, đối với tỉnh Trà Vinh cần tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi nâng cao ý thức tự giác, chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm (chăm sóc, tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng...); người chăn nuôi không được dấu dịch, khi phát hiện gia súc, gia cầm bệnh phải báo ngay cho thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất. Do thời gian dài dịch bệnh không xảy ra hoặc xảy ra nhỏ, lẻ nên các địa phương cần chống tư tưởng chủ quan, lơ là, nhất là ở những vùng dịch cũ. Cần tổ chức tốt lực lượng chuyên môn, tăng cường phối hợp liên ngành để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật. Ngành chuyên môn cần phối hợp cùng các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, từ đó góp phần hạn chế nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                                                                                                                 Văn Đoái

Tài liệu tham khảo:

[1] Công văn số 9167/BNN-TY ngày 01/11/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[2] http://cucthuy.gov.vn/Pages/thong-tin-ve-tinh-hinh-dich-cum-gia-cam-lmlm-va-tai-xanh-ngay-27-11-2017.aspx, ngày 28/11/2017

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới